Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vừa góp ý với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị ngoài những đối tượng đang được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo quy định, cần bổ sung thêm các đối tượng gồm nghệ sĩ sáng tác (nhiếp ảnh gia), nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh cùng một số lĩnh vực khác...
Đề nghị trên gây tranh cãi trong dư luận. Trong khi nhiều người bày tỏ ủng hộ trước việc đổi mới về cơ chế xét duyệt, số khác bày tỏ không tán thành vì cho rằng giữa nghề nghiệp và danh hiệu được trao tặng không phù hợp.
VietNamNet có cuộc trao đổi với nhiếp ảnh gia Thái Phiên về vấn đề này.
Xét duyệt danh hiệu cần phù hợp với từng lĩnh vực
- Xung quanh việc đề xuất xét NSND cho lĩnh vực nhiếp ảnh gây tranh cãi những ngày qua, anh có quan điểm gì?
Điều này là phù hợp và rất đáng hoan nghênh. Ở phương diện khách quan, nhiếp ảnh cũng là một ngành của nghệ thuật. Mỗi người chúng tôi cũng vắt mồ hôi, sức lực để có được những tác phẩm phục vụ công chúng, ít nhiều tác động đến đời sống. Danh hiệu khích lệ rất lớn cho người được nhận, khẳng định vị trí tên tuổi của họ với nghề và xã hội.
- Cá nhân anh có những kiến nghị gì xung quanh việc này?
Đây là là bài toán khó, đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa có những giải pháp thấu lý đạt tình. Việc xét duyệt cần khách quan, thận trọng vì nếu chỉ tính trên bằng cấp rất dễ dẫn đến câu chuyện “bệnh thành tích”. Nhiều người chăm chăm dự thi chỉ để tìm giải thưởng, đáp ứng đủ tiêu chuẩn xét duyệt.
Tôi biết những nghệ sĩ lớn tuổi, ít có giải thưởng nhưng đều là tên tuổi hàng đầu, đóng góp nhiều cho ngành nhiếp ảnh, như NSNA Đinh Duy Bê, Hồ Xuân Bổn… Cũng vài trường hợp chụp ảnh vì mục đích đam mê, phục vụ khán giả nhưng không dự thi.
Không riêng nhiếp ảnh, nhiều nghệ sĩ thực lực, tài năng ở các ngành nghề khác không đủ điều kiện xét tặng, trong khi không ít người được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhưng công chúng không biết họ là ai. Với tôi yếu tố tài năng, sự cống hiến và sức lan tỏa vẫn là quan trọng nhất.
- Một số ý kiến cho rằng việc gọi những người hoạt động trong ngành nhiếp ảnh như nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh là NSND, NSƯT sẽ xa lạ và không phù hợp, quan điểm anh thế nào?
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh trước nay được phong các tước hiệu của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh như: Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc, Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc… Dù vậy, chúng tôi cũng muốn được ghi nhận danh hiệu của Nhà nước.
Tất nhiên, cái mới nào cũng có dư luận 2 chiều. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta nên có sự công bằng ở đây. Nhóm nghệ sĩ biểu diễn đã được trao tặng danh hiệu từ rất lâu thì nhóm sáng tạo tác phẩm văn hoá nghệ thuật cũng cần có sự ghi nhận tương tự.
Nó giống như câu chuyện một ông nhạc sĩ dành cả đời sáng tác nhưng chẳng được gì ngoài phí tác quyền, còn các anh chị ca sĩ mang các nhạc phẩm ấy đi trình diễn khắp nơi vừa được nổi tiếng, tiền bạc lại đoạt giải này danh hiệu kia, như thế cũng bất công.
- Phải chăng nên có một danh hiệu khác cho ngành nhiếp ảnh, thay vì cứ phải là NSND hay NSƯT, theo anh?
Tôi cho rằng nên có sự thay đổi linh động nếu cần thiết. Chẳng hạn, ngoại trừ người cầm máy sáng tác nhiếp ảnh, 2 công việc còn lại làm thế nào để chứng minh tác phẩm xét duyệt? Cả hai đối tượng này cũng có thể nộp hồ sơ xin ở danh hiệu riêng. Chẳng hạn, Nhà nghiên cứu lý luận phê bình thuộc đối tượng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; hay Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh thuộc đối tượng xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Điều này hẳn sẽ hợp lý và đỡ gây lấn cấn hơn.
Nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế không có giá trị
- Tính đến cuối năm 2022, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có 1.068 hội viên. Như thế, nếu cơ chế xét duyệt được áp dụng, liệu có hay không “cơn mưa danh hiệu” cho lĩnh vực nhiếp ảnh?
Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cần soạn thảo ra văn bản với những quy định rõ ràng, như một kênh tham khảo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc hoàn thiện Dự thảo. Điều này đồng nghĩa các quy tắc xét sẽ được cụ thể hóa, không phải cứ ai được vài huy chương cũng được phong tặng, như thế là bất hợp lý.
Muốn như thế cần có vai trò tham gia quan trọng của Ban Chấp hành mở rộng. Ngoài Ban chấp hành, hội đồng chuyên môn, Hội cần lấy ý kiến của chi hội trưởng ở các tỉnh thành và hội viên, từ đó đúc kết thành một quy chế. Những người trong giới nhiếp ảnh đều hiểu rõ tác giả hay giải thưởng nào là xứng đáng, phù hợp, qua đó phần nào tránh được tình trạng “lạm phát” danh hiệu.
Một số tác phẩm nhiếp ảnh.
- Một nhiếp ảnh gia tự hào vì đoạt kỷ lục với 1.128 giải thưởng quốc tế nhưng thực tế chuyên môn nghề lẫn chất lượng ảnh của anh ta không được đánh giá cao. Liệu sẽ gây mâu thuẫn nếu các cá nhân này nộp giải thưởng đi xét danh hiệu?
Một bộ phận nhiếp ảnh gia coi trọng giải thưởng có yếu tố quốc tế. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi, nhiều giải thưởng đó được lập ra vì mục đích kinh doanh. Ban tổ chức thậm chí yêu cầu thí sinh phải nộp phí đầy đủ ngay khi nhận tác phẩm. Thực tế, giải thưởng không có giá trị nhiều nhưng không ít người thiếu thông tin vẫn mặc nhiên chấp nhận đó là giải thưởng quốc tế.
Với những sự việc này, người trong nghề nhìn vào biết ngay. Đôi khi, mọi người ngại va chạm nên không lên tiếng nhưng khi xét duyệt danh hiệu, yêu cầu xem xét chất lượng của các giải cần được chú trọng và gắt gao hơn.
- Bên nghệ sĩ biểu diễn có huy chương, còn bên nhiếp ảnh được đánh giá khó khăn hơn vì việc quy đổi từ các giải thưởng lớn nhỏ, trong và ngoài nước. Theo anh, cần tiến hành thế nào cho hợp lý?
Đặc thù nhiếp ảnh trong nước ít giải thưởng hơn so với nghệ sĩ biểu diễn, nên có thể linh động đưa ra bảng quy đổi giải thưởng trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Chúng ta có thể xét cả giải thưởng xuất sắc hằng năm của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; giải thưởng hằng năm của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; một số cuộc thi, liên hoan khác ở cấp quốc gia, khu vực, quốc tế có sự bảo trợ về chuyên môn của Hội. Ngoài ra, các huy chương, cúp của giải quốc tế cũng phải đảm bảo uy tín, chứng minh được giá trị giải thưởng.
Giữa nhiều hồ sơ nộp lên, hội đồng chuyên ngành cần chắt lọc, đánh giá chi tiết để phân loại. 2 điều cơ bản theo tôi phải đáp ứng được là nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu phải xứng đáng và tác phẩm được công chúng biết đến. Tính công bằng chỉ tương đối nhưng qua đó đảm bảo sự sâu sát, tránh tổn thương người được trao tặng và cả người không được trao, không gây mất tình đoàn kết trong Hội.