Cuối năm 2018, Hà Nội công bố hoàn thành trồng mới một triệu cây xanh. Khi mới trồng các cây xanh được cố định bằng gông sắt hoặc gỗ để tránh gãy, đổ do thời tiết và giúp cây phát triển theo chiều thẳng đứng.
Đến năm 2022, báo chí liên tục phản ánh về việc các gông bao quanh thân cây không được nới lỏng, tháo dỡ khiến cây biến dạng và ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng. Sau đó, các đơn vị chức năng khẩn trương vào cuộc và nới gông cho cây xanh.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay vẫn còn nhiều cây xanh trên địa bàn Hà Nội chưa được nới lỏng gông.
Nhìn hàng cây xanh bị "siết cổ" ở ngõ 158 Võ Chí Công, anh Lò Văn Thân (23 tuổi, quê Điện Biên) tỏ vẻ xót xa: "Nếu không mở gông sớm cho những cây này, không biết cây có sống được không, nhìn xót ruột anh ạ".
Thân cho biết, thời gian qua công ty cây xanh đi rà soát, tháo gông cho hàng loạt cây dọc hai bên đường Võ Chí Công. Việc các cây trong ngõ chưa được nới gông có thể bị "quên".
Còn theo anh Trần Minh Quang (31 tuổi, sống tại khu Đô thị Văn Phú), những cây phát triển xanh tốt, đường kính 25 - 30cm có thể tháo gông vì cây đã có bộ rễ ổn định, cây khó gãy, đổ.
Anh Quang mong muốn các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, rà soát lại tổng thể các cây xanh trên địa bàn Hà Nội để tháo gông cho những cây đang bị "siết cổ". Việc xuất hiện cây xanh bị "siết cổ" trên vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị.
Trước tình trạng trên, PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp) cho biết: Cây mới trồng trong 2 - 3 năm đầu phải chống đỡ, đeo gông để tránh va chạm cơ giới, gãy đổ vì bộ rễ chưa phát triển.
Sau một thời gian trồng phải thường xuyên kiểm tra, nới lỏng gông để cây phát triển ổn định. Nếu không nới kịp thời khiến vỏ cây bên trong gông bị chết dẫn đến việc sâu bệnh tấn công khiến cây gãy đổ.
Ông Hà cho rằng những cây đã trồng được 4-5 năm nên tháo gông bởi chúng đã sinh trưởng tốt. Sau đó, các gông này dùng để chống, đỡ cho các cây mới trồng sẽ được giảm chi phí.
"Việc tháo gông cho các cây xanh trên Hà Nội sẽ mất nhiều thời gian bởi số lượng cây lớn", ông Hà nhận định và đánh giá việc trồng cây xanh đô thị trên địa bàn Hà Nội còn nhiều bất cập, lựa chọn cây không phù hợp.
Đơn cử như hàng cây nhội mới bị chết phải nhổ bỏ ở tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài và cây trồng dưới gầm đường Vành đai 3.
Liên quan đến thông tin nhiều cây xanh bị "siết cổ" bởi những bộ gông sắt gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Sau khi báo chí phản ánh, công ty đã tiến hành kiểm tra, rà soát và nới gông cho cây xanh trên toàn địa bàn quản lý.
Đến nay, đơn vị đã nới gông cho khoảng 500 cây. Mùa mưa bão sắp tới, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội tiếp tục rà soát những cây phát sinh để nới gông kịp thời.
Dự kiến sau mùa mưa bão sẽ tiến hành tháo gông cho những cây đã phát triển ổn định.
Đối với những cây chưa được nới gông mà PV đưa ra như ở ngõ 158 Võ Chí Công (quận Tây Hồ); khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, những khu vực này có thể chủ dự án chưa bàn giao lại. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra, nới gông cho những cây trên.
Từ năm 2016, nhằm thực hiện chiến dịch phủ xanh đô thị, Hà Nội đã cho trồng hơn 1 triệu cây xanh trên dải phân cách các tuyến đường. Đến cuối năm 2018, Hà Nội công bố hoàn thành trồng mới 1 triệu cây xanh. Trong đó 73.000 cây được trồng theo diện xã hội hóa.
Theo Dân trí