Tờ Korea Herald dẫn báo cáo của Viện Hành chính công Hàn Quốc cho hay thế hệ MZ (thuật ngữ chỉ thế hệ Millennials và thế hệ Z, những người sinh từ năm 1981 đến 2010) có cái nhìn không mấy tích cực về việc ăn trưa với đồng nghiệp.
Phát hiện này được công bố từ cuộc nghiên cứu thực hiện từ tháng 5 đến tháng 6 năm ngoái với 1.021 công chức thuộc các nhóm độ tuổi khác nhau làm việc trong các cơ quan hành chính công.
Dữ liệu cũng cho thấy thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z có phản ứng tiêu cực về bữa trưa chung hơn thế hệ cũ. Các công chức cấp cao lại chọn ăn trưa một mình vì họ nghĩ đồng nghiệp có thể cảm thấy nặng nề, áp lực khi ăn cùng họ.
Hơn nữa, khi được hỏi về việc thích tổ chức “hoesik” (buổi tụ tập của các nhân viên sau giờ làm) vào giờ ăn trưa hay vào buổi tối thì đa số đều lựa chọn giờ ăn trưa. “Hoesik” nghĩa là buổi họp mặt nhân viên chính thức bao gồm bữa tối, rượu và đôi khi là hát karaoke. “Hoesik” vốn là văn hóa văn phòng của Hàn Quốc, điều mà người Hàn thường coi là nghĩa vụ ngoài giờ làm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng do đại dịch, các chuẩn mực xã hội tại văn phòng đã thay đổi, công nhân viên ở mọi lứa tuổi muốn chuyển sang làm việc từ xa hơn. Thế hệ MZ phản hồi rằng ưu tiên hàng đầu của họ là sự linh hoạt của nơi làm việc.
Qua việc ngày càng có nhiều thanh niên Hàn Quốc thích đi ăn một mình tại nơi làm việc, báo cáo miêu tả thế hệ MZ là những cá nhân ưu tiên lợi ích riêng hơn lợi ích của tổ chức. Điều này giải thích rằng họ đang thúc đẩy những thay đổi chốn công sở và mong muốn cơ quan, tổ chức thiết lập những biện pháp để tôn trọng hiệu quả các giá trị cá nhân tại nơi làm việc.
Hoài Thanh