Mặc dù vậy, điều này không ngăn cản các công ty trên tuyên bố về những mối quan hệ hợp tác với các nước ở Đông Nam Á, châu Âu hay thậm chí là Trung Đông.

Lấy tập đoàn sản xuất xe hơi GAC Group, một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn nhất tại Trung Quốc, làm ví dụ. GAC đã từng để mắt tới thị trường Mỹ hồi năm 2018. Công ty này đã thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại thung lũng Silicon, Los Angeles và Detroit. Ngoài ra, tập đoàn này đã đăng ký các dự án bán hàng tại Bắc Mỹ, cũng như tham dự Triển lãm xe quốc tế tại Detroit, nhằm giới thiệu những sản phẩm mới.

{keywords}
Một mẫu xe của tập đoàn GAC Group. Ảnh: Reuters

Mọi thứ có vẻ như đã sẵn sàng, cho tới khi thương chiến Mỹ-Trung bùng nổ. “Kế hoạch tiến vào thị trường Mỹ trong đầu năm 2020 đã không còn giá trị, khi các khoản thuế do Mỹ đưa ra đã áp đặt lên mặt hàng ô tô xuất khẩu của Trung Quốc”, CNBC trích lời Chủ tịch GAC Feng Xingya nói.

Mỹ-Trung đã bị cuốn vào vòng xoáy áp thuế hàng hóa lẫn nhau có trị giá lên đến hàng tỷ USD. Hồi tháng 5, Washington đã tăng thuế đánh vào lượng hàng trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 10% lên 25%, trong đó có ô tô và các bộ phận của xe. Nhiều cuộc đàm phán cấp cao diễn ra, nhưng không có tiến triển nào hết. Các mức thuế đã chuẩn bị sẵn, và nếu không có bước đột phá, thì những khoản thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12 tới.

“Chúng tôi đã ngừng việc phát triển và giảm mức đầu tư vào Mỹ hồi đầu năm nay. Chúng tôi đang chờ đợi cho tình hình thuế khả quan hơn, để chúng tôi có thể bắt đầu lại việc phát triển tại đây”, ông Feng nói thêm.

Hướng tới Trung Đông, Nga

Tập đoàn GAC Group không phải là công ty Trung Quốc duy nhất rút khỏi việc mở rộng và đầu tư tại Mỹ. Nhóm nghiên cứu kinh tế độc lập Rhodium Group cho biết, mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Mỹ chỉ còn 4,8 tỷ USD trong năm 2018, giảm hơn 84% so với số vốn đầu tư 29 tỷ USD hồi năm 2017.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung không khiến tập đoàn sản xuất GAC Group ngừng tìm kiếm sự hiện diện lớn hơn trên thị trường toàn cầu. Với kế hoạch tiến vào thị trường Oman cuối năm nay, GAC đã mở rộng thị trường lên 9 quốc gia tại Trung Đông. Trong đó có thể kể tới Ảrập Xêút, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Kuwait và Qatar.

“Chúng tôi cũng sẽ tiến vào thị trường Nga cuối năm nay. Tới hiện tại, GAC đã hiện diện tại 24 quốc gia trên thế giới, và chúng tôi đang đẩy mạnh việc tiến vào các thị trường khác”, ông Feng nói.

{keywords}
Triển lãm do GAC Group tổ chức. Ảnh: THX

Ngoài ra, ông Feng còn hé lộ việc coi châu Âu là thị trường chính cho các dự án xe chạy bằng năng lượng mới, khi tập đoàn này chú trọng vào các công nghệ xe điện tự động và thông minh. “Xe chạy bằng năng lượng mới rất phổ biến ở châu Âu, và có nhiều nước tại đây mời chúng tôi tới phát triển. Mục tiêu của GAC là trở thành tập đoàn toàn cầu”, ông Feng nói thêm.

Không có ranh giới cho sự đổi mới

Trong khi thương chiến Mỹ-Trung vẫn đang tiếp diễn, các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng. Như công ty trí tuệ nhân tạo iFlytek của Trung Quốc, vốn bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ hồi tháng 10/2019, nhằm ngăn cản công ty này mua được các sản phẩm công nghệ Mỹ.

Tuy nhiên, điều này không gây tác động mấy tới tham vọng toàn cầu của IFlytek. “Chúng tôi đang hoạt động tích cực tại các quốc gia chiến lược như Nhật Bản, New Zealand và nhiều nước châu Âu. Việc phát triển của chúng tôi sẽ không ngừng lại”, Phó chủ tịch IFlytek Doranda Doo phát biểu.

Công ty iQiyi, một nền tảng trực tuyến video được coi là ‘kênh Netflix của Trung Quốc’, đã tuyên bố hợp tác nước ngoài đầu tiên của công ty này hồi tháng 9/2019.

“Chúng tôi hỗ trợ các lựa chọn phụ đề đa ngôn ngữ bao gồm tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Mã Lai và tiếng Thái. Chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác với các nguồn lực địa phương nhằm mở rộng nhiều tiềm năng về nội dung được cá nhân hóa”, Phó chủ tịch công ty iQiyi Wang Xuepu trả lời phỏng vấn tại hội nghị do CNBC tổ chức.

Những cách nhìn nhận trên cũng giống nhận định của Tổng Giám đốc điều hành công ty phần mềm ThoughtWorks Zhang Song, khi ông cho rằng các quốc gia nên hợp tác với nhau, thay vì cạnh tranh trong ‘cuộc chạy đua công nghệ’.

“Những sản phẩm được đưa ra từ những trung tâm nghiên cứu sẽ được phân phối cho thị trường toàn cầu, không chỉ người tiêu dùng Trung Quốc, mà cả người tiêu dùng Mỹ và các nước khác sẽ đều hưởng lợi ích từ những sản phẩm này”, ông Zhang kết luận.

Tuấn Trần