Sông Lô rất cần được triển khai xây dựng công trình đập dâng,cải tạo nâng cấp, để những lợi thế mà dòng sông này mang lại phát huy giá trị, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu Bài 3: Cần một cú huých trong loạt 3 bài Nhịp điệu dòng Lô của nhóm tác giả Thành Công, Tôn Dương, Minh Hoa, Huy Hoàng.
Hồ thủy điện Tuyên Quang tích nước và do tác động của biến đổi khí hậu, về mùa khô, dòng Lô cạn kiệt, có nhiều đoạn sông trơ đáy, cây dại mọc um tùm. Người dân gọi đó là khúc sông buồn.
Khúc sông buồn…
Ông Đoàn Trọng Toàn ở tổ 4, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang năm nay 75 tuổi từng chứng kiến bao trận lũ kinh hoàng, ám ảnh đến tận bây giờ. Trong trí tưởng tượng của ông và nhiều người dân ở đây có phong phú đến mấy cũng không thể hình dung được dòng Lô lại có thể cạn trơ như bây giờ. Ông bảo, xưa, dòng Lô đoạn qua thành phố vào mùa khô nước vẫn ắm ắp đôi bờ. Ở giữa dòng là bãi soi Tình Húc đất đai phì nhiêu lắm, có câu chuyện tình lãng mạn của đôi trai năm nào đến giờ người ta vẫn truyền tai nhau. Mắt ông Toàn ánh lên nhưng rồi trĩu buồn bởi sự lãng mạn ấy giờ đây như bị đánh cắp khi dòng Lô đang bị đối xử một cách tệ hại.
Dòng sông qua soi Tình Húc chia thành hai nhánh, nhánh phía tả ngạn thành phố giờ không có nước nữa, cỏ dại rậm rạp. Những ngôi nhà bè, những chiếc thuyền nằm mắc cạn, vạn chài ngồi tựa nhìn dòng Lô man mác buồn. Người dân ở đây không còn sống được bằng nghề chài lưới nữa, nhà nuôi vịt, nuôi lợn trên sông, khai khẩn đất hoang trồng hoa màu. Ông Toàn tận dụng đất bồi do dòng Lô cạn nước trồng 8 sào ngô sinh khối (ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp) bán cho các trang trại chế biến chăn nuôi bò sữa. Chị Triệu Thúy Nga, một vạn chài kỳ cựu ở khúc sông này bảo rằng, chưa bao giờ dòng sông cạn thế này, chẳng còn tôm cá gì nữa, chị phải xoáy hướng nuôi vịt đẻ trứng, nuôi lợn thương phẩm bán cho các nhà hàng bên bia sông. Chị bảo, đấy, thuyền bè, nhà cửa mắc cạn hết cả, nuôi cá cũng chẳng nổi vì dòng nước sông hay bị ô nhiễm. Năm ngoái nhà chị chết mất mấy lồng cá, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Kiệt quệ cả đi.
Làm gì để “cứu” dòng Lô?
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam, dòng Lô có vị trí chiến lược quan trọng, từng chứng kiến những chiến công hiển hách của quân và dân ta thời kỳ chống Pháp. Nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác Trường ca sông Lô bất hủ: “Trên dòng sông trở về đoàn người. Reo mừng vui trên sóng nước biếc. Trôi đầy sông bao đám xác thù…”
Chiến tranh đi qua rồi, dòng Lô tiếp tục giữ trọng trách thầm lặng cung ứng nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho nhân dân khắp các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… Dòng Lô còn mang đến nguồn thủy sản quý giá với nhiều loài cá quý hiếm, đặc biệt là loài Anh vũ thơm ngon nức tiếng. Sông Lô bồi đắp cho hai bên bờ những dải đất phù sa tốt tươi trồng cây lương thực, tạo nên những mỏ cát vàng có giá trị cao trong xây dựng các công trình kiến trúc. Nhưng do tác động của biến đổi khí hậu, yêu cầu trị thủy, nhưng hơn hết là sự thiếu trách nhiệm của con người nên dòng Lô đang “kêu cứu”. Các mỏ cát tạo nên những bãi soi thơ mộng đã biến mất, các loài cá thì hết nơi trú ngụ, cá Anh vũ chỉ còn là hoài niệm. Sông Lô đang khóc.
“Nước mắt” sông Lô “thấm” đến những người có trách nhiệm, thức tỉnh tình yêu sông nước trong bao người. Mỗi mùa hạ về, nước sông tràn qua những bãi soi ở thành phố, người dân, du khách khắp nơi lại đổ ra đắm mình với sông nước và mong ước có dự án nâng dòng Lô tạo thành điểm du lịch trải nghiệm độc đáo, chắc chắn khi ấy Tuyên Quang sẽ trở thành điểm đến lý tưởng. Anh Trần Anh Đức, Giám đốc nhà hàng Bến Sông Xưa ở phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang cho rằng, nếu phát triển các dịch vụ trải nghiệm, nhất là các dịch về đêm trên bến thuyền sông Lô, chắc chắn sẽ “rút” thêm nhiều tiền của khách du lịch. Dòng Lô cần được nâng dòng, không thể cạn kiệt như thế này được.
Hơn ai hết, người đứng đầu tỉnh Tuyên Quang, ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy trong nhiều cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy không khỏi xót xa khi để dòng Lô hoang tàn như vậy. Ông nói: “Chúng ta không thể đối xử với dòng sông như thế này mãi được. Thành phố có dòng sông chảy qua là một lợi thế, là sự độc đáo không phải nơi nào cũng có được. Chúng ta phải hành động để cứu dòng Lô”.
Chỉ đạo của người đứng đầu tỉnh Tuyên Quang cũng là khát vọng cháy bỏng của người dân nơi này. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã hình thành dự án nâng tầm, khai thác lợi thế, khơi dậy giá trị của dòng sông lịch sử nhưng đến nay vẫn…im lặng. Đó là dự án xây dựng cầu Tình Húc thiết kế có hệ thống đường bậc hai bên lên xuống soi Tình Húc, tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn trên sông. Nhưng cầu xây xong đã lâu mà không có đường xuống bãi soi đẹp như bức tranh thủy mạc.
Anh Bùi Thành Chung ở tổ 2, phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang, một người dân sống trên soi Tình Húc bùi ngùi nuối tiếc, cây cầu bắt đầu xây dựng năm 2017, theo công bố quy mô dự án của chủ đầu tư, cầu có hai đường dẫn xuống soi Tình Húc nhằm khai thác tiềm năng của bãi soi này phát triển kinh tế, trọng tâm là du lịch. Năm 2020, cầu khánh thành lại không thấy có đường dẫn xuống soi. Thật là tiếc nuối, bởi theo anh Chung, có đường dẫn xuống soi, người dân đi lại thuận lợi, khách du lịch đến đây trải nghiệm rất lý tưởng.
Tuyên Quang đã có chủ trương xây dựng công trình đập dâng nước tạo cảnh quan cho thành phố nhưng đến giờ vẫn chỉ là… ý tưởng. Hy vọng Tuyên Quang sẽ sớm hành động, nhất là triển khai xây dựng công trình đập dâng, cải tạo nâng cấp dòng sông Lô để những lợi thế mà dòng sông này mang lại phát huy giá trị, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân.
Thực hiện: Thành Công, Tôn Dương, Minh Hoa, Huy Hoàng
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.