Bản Huổi Nhương, xã Chiềng Khương với 100% dân số là đồng bào Khơ Mú. Cách đây khoảng 10 năm, khi nhắc đến tên bản Huổi Nhương hầu như ai cũng nhớ đến đặc điểm nổi bật nhất đó là bản nghèo nhất của xã Chiềng Khương. Khi đó, bà con ở đây chủ yếu canh tác lúa nương và trồng ngô.
Theo phong tục tập quán từ cha ông để lại, mỗi năm, người dân chỉ làm một vụ, sau đó thì nghỉ suốt thời gian còn lại. Vì thế, cái đói, cái nghèo cứ dai dẳng đeo bám người dân ở đây.
Nhưng vài năm trở lại đây, đời sống kinh tế của bà con trong bản đã có sự thay đổi ngoạn mục. Tất cả là nhờ vào sự thay đổi trong tư duy của người dân và chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất dốc.
Ông Quàng Văn Thuông, bản Huổi Nhương, xã Chiềng Khương chăm sóc vườn cây ăn quả. |
Tổ tiên người Khơ Mú chỉ biết canh tác nương lúa, nương ngô. Về sau, thấy đồng bào người Kinh mang cây nhãn từ Hưng Yên lên trồng và cho thu nhập cao gấp nhiều lần cây ngô. Từ đó, một số bà con mạnh dạn tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật để trồng nhãn. Ban đầu, họ chỉ trồng trên một nửa khu đất của gia đình, khi thấy hiệu quả mới rủ nhau nhân rộng, nhờ đó cuộc sống ngày càng khấm khá.
Từ một vài mô hình thành công, chỉ sau một thời gian ngắn diện tích cây ăn quả của bản Huổi Nhương đã tăng lên nhanh chóng. Đến nay, bản có gần 100 ha, thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Có của ăn của để, đời sống kinh tế ổn định, bà con Huổi Nhương cùng nhau góp công, góp sức để xây dựng nông thôn mới.
Ông Lường Văn Phong, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Huổi Nhương cho biết, trước đây, tỉ lệ hộ nghèo của bản là hơn 50%, nhưng nay còn 7 hộ nghèo và cận nghèo. Để đạt được kết quả đó, chi bộ bản đã triển khai các chủ trương phát triển kinh tế đến từng người dân. Đồng thời, cán bộ, đảng viên luôn là người gương mẫu, đi đầu khi thực hiện các mô hình kinh tế. Nhờ đó, bà con trong bản khi thấy hiệu quả đã tin tưởng và làm theo để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Anh Duy