Trong những năm gần đây, phong trào xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong đó, việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường đóng vai trò không thể thiếu, giúp người nông dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ đất đai, nguồn nước và môi trường sống. Một minh chứng rõ ràng là mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” tại xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, đã tạo nên bước ngoặt trong cách thức xử lý rác thải nông nghiệp.
Trước đây, người nông dân xã Đức Bác, chủ yếu phát triển nông nghiệp theo hướng trồng cây cảnh thường có thói quen vứt vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bừa bãi ngay trên đồng ruộng. Hậu quả là môi trường bị ô nhiễm, chất lượng đất và nước tưới đều suy giảm, ảnh hưởng đến cả cây trồng lẫn sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì tuyên truyền của Hội Nông dân xã, người dân đã thay đổi nhận thức một cách đáng kinh ngạc.
Anh Lê Khắc Tới, một nông dân trồng cây cảnh tại thôn Khoái Thượng, xã Đức bác chia sẻ: “Trước đây chúng tôi hay bỏ vỏ thuốc bừa bãi trên đồng. Nhưng nhờ có sự tuyên truyền của hội nông dân, chúng tôi hiểu được lợi ích của việc thu gom rác thải nông nghiệp. Giờ đây, sau khi sử dụng thuốc, chúng tôi đều tập hợp vỏ chai vào các bể chứa để xử lý, giúp môi trường sạch sẽ hơn.”
Những buổi tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân xã Đức Bác đã giúp bà con hiểu rõ hơn về tác dụng của việc thu gom vỏ chai thuốc trừ sâu, vỏ thuốc BVTV cùng các loại rác thải nông nghiệp. Việc xây dựng 15 bể chứa rác thải tại các điểm thuận tiện, đã tạo điều kiện để bà con thực hiện việc thu gom rác dễ dàng hơn. Theo ông Bùi Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bác, sự thay đổi lớn nhất chính là ý thức của người dân. Họ không chỉ tự giác thu gom rác mà còn tích cực tham gia các buổi vệ sinh đồng ruộng định kỳ. Ông Cường cho biết: “Trong quá trình triển khai mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động bà con để mà chung tay bảo vệ môi trường. Việc tuyên truyền giúp bà con dần hiểu rõ hiệu quả của mô hình và sau đó, nhận được sự hưởng ứng tích cực của thành viên trong hội nông dân xã”.
Mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV” chính thức được triển khai tại Đức Bác từ tháng 9/2024, nhưng những kết quả thu được đã rất khả quan. Trên diện tích 27,5 ha trồng cây cảnh tại xóm Khoái, các bể chứa dung tích 1m³ đã thu gom nhiều loại rác thải nông nghiệp. Các chất thải này sau đó được vận chuyển đến cơ sở xử lý chuyên dụng, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bảo vệ môi trường.
Không chỉ cải thiện cảnh quan đồng ruộng, mô hình còn giúp bảo vệ nguồn nước tưới tiêu và nâng cao chất lượng đất canh tác. Đức Bác giờ đây không chỉ là một xã nông nghiệp mà còn là một điểm sáng về bảo vệ môi trường trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Mô hình nông nghiệp xanh này cũng đang được triển khai ở nhiều địa phương khác. Tại xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV” được triển khai với cách tiếp cận tương tự, thu hút sự tham gia của đông đảo nông dân. Nhiều huyện, xã tại tỉnh Bắc Ninh cũng đã bắt đầu học hỏi và áp dụng mô hình này.
Việc nhân rộng mô hình không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận các phương pháp canh tác bền vững. Các buổi tuyên truyền tiếp tục là công cụ quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân tại các vùng nông thôn. Nhờ đó, những vấn đề môi trường từng bị xem nhẹ nay đã được chú ý và giải quyết hiệu quả.
Mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục và hành động thực tế. Từ xã Đức Bác, hiệu quả của mô hình đã lan tỏa đến nhiều địa phương khác, tạo nên mạng lưới hành động mạnh mẽ bảo vệ môi trường nông thôn. Đây không chỉ là một sáng kiến trong phong trào xây dựng nông thôn mới mà còn là một thông điệp mạnh mẽ: Cùng nhau bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi người dân.