Dù chỉ sắp ra trường nhưng nhóm 3 chàng sinh viên Đà Nẵng đã tự chế tạo thành công máy in 3D "made in Vietnam" trong 3 tháng với giá rẻ hơn máy thị trường gấp 5 lần.
Từ trái qua: Trương Minh Vũ, Cao Đăng Khoa (trưởng nhóm), Phạm Xuân Phương. |
Như các bạn đã biết, in 3D đang là một trong những xu hướng phát triển mới của khoa học kỹ thuật. Nhờ vào công nghệ này, con người sẽ có thể dễ dàng chế tạo những đồ vật với chi phí thấp hơn và thời gian ngắn hơn rất nhiều.
Các phương pháp sản xuất truyền thống đang dần được thay thế bởi các phương pháp tạo mẫu 3D hiện đại. Những chiếc máy in 3D trở thành trợ thủ đắc lực trong quá trình tạo mẫu, rút ngắn thời gian và tăng độ chính xác cho sản phẩm mẫu, hỗ trợ đặc lực cho các nhà thiết kế và đẩy nhanh quá trình đưa sản phẩm mới ra thị trường.
Không khó để tìm thấy ứng dụng của in 3D trong cuộc sống thường ngày, từ xây dựng, thời trang, y học, đến các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, máy bay, vũ trụ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, công nghệ này còn khá lạ lẫm và chưa được sử dụng rộng rãi.
Ấp ủ từ niềm đam mê với công nghệ và cũng một phần vì tính tò mò, mới đây, nhóm bạn trẻ đến từ trường đại học Bách khoa Đà Nẵng đã bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo ra chiếc máy in 3D “thuần Việt”, với mong muốn đưa công nghệ này gần hơn với người Việt với chi phí tiết kiệm tối đa.
Đó là 3 chàng sinh viên Cao Đăng Khoa, Phạm Xuân Phương và Trương Minh Vũ, cùng học lớp 10CDT1 – khoa Cơ khí tại trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Cận cảnh máy in 3D "made in Vietnam" của nhóm bạn sinh viên Đà Nẵng |
Sản phẩm được hoàn thành sau 3 tháng, cả 3 bạn đã bỏ mỗi người hơn 1,5 triệu đồng và bỏ công sức chạy đi khắp nơi để mua linh kiện về thực hiện. Những linh kiện này có giá không hề rẻ nên nhóm bạn trẻ đã mua lại những linh kiện đã qua sử dụng, một khi không có thì mới mua linh kiện mới. Cũng vì thế mà sản phẩm làm ra có giá chỉ 4 triệu đồng, thấp hơn gấp 5 lần so với giá trung bình của các loại máy nhập khẩu ngoài thị trường.
Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong quá trình nghiên cứu, Khoa thẳng thắn chia sẻ: “Vì đây là công nghệ mới nên hầu hết tài liệu tiếng Việt đều chưa có, các tài liệu chủ yếu bằng tiếng Anh nên tụi mình cũng gặp đôi chút khó khăn. Những tài liệu này do tụi mình tự tìm kiếm từ sách và trên mạng, vì từ trước tới giờ trong trường chưa có ai nghiên cứu về công nghệ này cả”.
Được biết, sản phẩm của nhóm đã được Hội đồng khoa học của trường ĐH Bách khoa và Sở khoa học - công nghệ Đà Nẵng đánh giá rất cao về tính ứng dụng và liên tục đạt giải Nhất tại cuộc thi nghiên cứu khoa học (khoa Cơ khí) và cuộc thi nghiên cứu khoa học của trường.
Khoa chia sẻ thêm: “Đến thời điểm hiện tại thì máy vẫn đang hoạt động tốt và nhóm đang làm dự án in hơn 200 cái logo cho khoa Cơ khí. Nhưng vì là sản phẩm đầu tay nên cũng chưa hoàn toàn hoàn thiện, tụi mình có xu hướng cải tiến thêm để hướng tới một chiếc máy có mẫu mã đẹp, tăng năng suất và giá thành chỉ bằng một nửa hay 1/3 ngoài thị trường”.
Cấu tạo của chiếc máy gồm trục inox, bộ truyền động, bộ truyền dây răng curoa, bộ vít đai ốc, bàn gia nhiệt, mạch điều khiển, màn hình LCD, quạt tản nhiệt, thanh trượt,… |
Tùy thuộc vào kích thước và độ phức tạp của chi tiết mà thời gian in mỗi sản phẩm là khác nhau. Tuy nhiên, thời gian in trung bình của chiếc máy này lại hoàn toàn tương đương với các loại máy nhập khẩu nước ngoài. Thậm chí, sản phẩm của nhóm có thể điều chỉnh tốc độ để chạy nhanh hơn.
“Tháng trước, mình có gửi một mẫu cho các máy nhập khẩu in và họ báo hết gần 3 tiếng trong khi máy mình chỉ in hết chưa tới 2 tiếng” – Khoa nói thêm.
Tháp Eiffel và tượng Nữ thần tự do là sản phẩm từ máy in 3D của nhóm. |
Những logo được in cho khoa Cơ khí. |
Cụ thể, mẫu mà nhóm bạn trẻ đã chọn là logo của khoa Cơ khí. Chi phí của mỗi logo này (bằng nhựa) của dịch vụ in bên ngoài báo giá là 160,000đ, trong khi đó chỉ mất 40,000đ khi in bằng máy của nhóm – thấp hơn gấp 4 lần.
Khi được đặt vấn đề về dự định thương mại hóa sản phẩm trong tương lai hay không, trưởng nhóm thành thật: “Vì đây là nghiên cứu để thỏa mãn tính đam mê khoa khoa học nên tụi mình cũng chưa nghĩ tới việc này. Bước đầu thành công nhưng tụi mình là sinh viên mới ra trường, chưa có vốn và kinh nghiệm nên cũng chưa nghĩ tới thương mại hóa.”
Dù vậy, quan trọng hơn hết là nhóm sinh viên đã có được những kinh nghiệm, những bài học quý báu trên con đường trở thành những kỹ sư giỏi trong tương lai.
(Theo Genk)