- Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) từ 4 năm nay đã biến những buổi chào cờ đầu tuần thành những buổi sinh hoạt hấp dẫn, thú vị, về những vấn đề tưởng chừng khô khan như đạo đức học sinh, lý tưởng tuổi trẻ…


Cô Nguyễn Thị Phương Anh, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, nói về quyết định cách đây 4 năm về thay đổi hình thức sinh hoạt mỗi sáng thứ hai: “Với phụ huynh, khi gửi con đến trường trước tiên không phải là họ mong con đỗ đại học hay nên ông nên bà gì, mà phải là an ninh trật tự được bảo đảm. Tiếp đến là môi trường học tập thực sự văn hóa, văn minh”.

{keywords}
Cô Nguyễn Thị Phương Anh (Ảnh Nguyễn Tuyết)

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” - nói thì cứ bảo là hô khẩu hiệu. Nhưng thực sự học sinh phải cảm thấy thoải mái, không bị áp lực khi tới trường. Để được như thế, ngoài việc dạy học phải có rất nhiều hoạt động để thầy và trò hiểu nhau, thân thiện với nhau hơn”.

Cô Phương Anh cho rằng học sinh đã kín lịch học trên lớp, khi rời khỏi trường cũng quá bận rộn với những hoạt động khác. Vì vậy, “giờ vàng” được lựa chọn là buổi chào cờ đầu tuần.

“Giờ chào cờ hay sinh hoạt không phải là giờ để giáo viên kiểm điểm, nhắc nhở học sinh, hay thu tiền” – cô Phương Anh nêu quan điểm.

Hóa giải những khẩu hiệu “loong coong”

Chủ đề của các buổi sinh hoạt dưới cờ mỗi ngày thứ hai, theo cô Phương Anh, mới nghe có vẻ rất xa lạ và rất chán. “Nghe tên thì như thế, nhưng khi hoạt động dưới dạng sân khấu hóa học đường rất là vui và ấn tượng” – cô Phương Anh khẳng định.

{keywords}
Một bài nhảy flasmost (Ảnh TL)

Ví dụ như hoạt động giao lưu về phòng chống buôn bán người. Dường như việc này không liên quan gì tới những học sinh đang ngồi dưới kia. Nhưng khi tổ chức, đó là những câu hỏi về luật pháp, là thi thuyết trình, là dựng lại những câu chuyện lừa đảo tư vấn du học, hôn nhân, lao động… “Học sinh ngỡ ngàng thấy rất gần với cuộc sống xung quanh, vì nhiều em nuôi mộng du học, và các em cũng đã đến tuổi cập kê”.

Hay chương trình Tuổi trẻ và Mùa xuân. “Đọc tên nghe chán và cũ lắm phải không? Khéo lắm người nghĩ làm thì chắc chẳng đứa nào nó nghe”.

“Nhưng chương trình có phần thi, hỏi về một số tấm gương tuổi trẻ. Phần hai là hùng biện, trình bày về tấm gương các em yêu thích. Rồi hát. Rất nhẹ nhàng thôi, nhưng lại vui vẻ hào hứng. Chứ cứ lên mà thuyết giảng học sinh sẽ chán”.

Từ những chương trình sinh hoạt như thế này, những gì tốt, xấu của học sinh “lộ” hết.

Ví dụ học sinh nắm rất vững những tấm gương tuổi trẻ ngày nay, nhất là những bạn từ khó khăn trở thành ca sĩ, người mẫu. Nhưng mà tấm gương tuổi trẻ trước đây thì nhầm lẫn lung tung.

{keywords}
Một buổi sinh hoạt  theo hình thức "Rung chuông vàng" (Ảnh TL)

“Chẳng nói đâu xa, trường tôi tên Nguyễn Thị Minh Khai, tượng đài của bà ở ngay sân trường, tiểu sử của bà cũng đưa kèm luôn ở đó. Thế mà khi giáo viên hỏi tấm gương nữ liệt sĩ đã có câu thơ “Vững chí bền gan ai hỡi ai/ Kiên tâm giữ dạ mới anh tài …”, học sinh chả biết là ai cả. Hỏi: “Thế các em có biết tượng đài đấy, có ra đọc không?”, thì hóa ra chả đọc. Nghe cô nói, học sinh mới rút kinh nghiệm ra xem”.

Có rất nhiều khoảng để các thầy cô khai thác trong khoảng thời gian này. Họ hiểu đây cũng là hoạt động để giáo dục, và đã làm rất khéo.

Tổ văn có chuyên đề Người lính và những bản tình ca, năm trước cho các em thi thi hát nhưng năm nay lại chon chủ đề “Câu chuyện người lính”, mời nhà thơ Trần Đăng Khoa về nói chuyện, các em học sinh lên đóng tiểu phẩm nói về người lính trước đây, người lính ngày hôm nay.

“Các em đã tìm ra rất nhiều câu chuyện hay, vui về người lính. Nhưng nếu mình không tổ chức, các em sẽ chẳng quan tâm…”.

Nhưng thú vị hơn, đồng thời cũng… đáng báo động, là qua những buổi chào cờ thế này, những khiếm khuyết trong kỹ năng sống của học sinh cũng bị phát hiện.

“Chơi bầy mâm ngũ quả, có em úp ngược nải chuối xuống. Cả trường cười ầm lên, nó chống chế úp thế để thể hiện sự… che chở” – cô Phương Anh “kể tội” học trò. Hay thi gói bánh chưng, có lớp chưa gói nhân thịt nhân đỗ đã trộn lẫn lộn hết vào gạo. Hỏi học sinh biết tại sao không, nó không biết nên đi ngó hết chỗ nọ chỗ kia rồi quay ra bảo “Hình như tại bọn em… không vo gạo”.

Lộ ra hết như thế là một cách tốt để giáo viên và chính mỗi học sinh tự điều chỉnh cách dạy, cách học, cách sống.

“Đại ca” đã thành “thầy u”

“Sinh hoạt toàn trường thường xuyên khiến học sinh mạnh dạn hơn. Thường thì học sinh rất ít tham gia ở phần khán giả cùng chơi, nhưng ở trường tôi học sinh giơ tay ầm ầm” – cô Phương Anh cho biết.

{keywords}
Ảnh TL

Dẫn chứng là trong một buổi sinh hoạt về chủ đề sức khỏe sinh sản có hướng dẫn sử dụng bao cao su. Học sinh diễn tiểu phẩm đóng ông bán thuốc hướng dẫn phải xem hạn dùng như thế nào, lấy quả chuối lồng vào làm mẫu. Sau đó, “diễn viên” mời học sinh lên chơi, cứ một nam một nữ lên thực hành. Thế là học sinh ào ào giơ tay xông lên.

Các trường bạn đến dự giờ để tham khảo bảo “Ô sao học sinh lại tự nhiên thế nhỉ? Trường chúng tôi mà hỏi là học sinh cứ ngồi cắm mặt xuống không trả lời”.

“Khi mà mình tổ chức như thế, học sinh hiểu biết nhiều hơn, gắn bó yêu trường yêu lớp hơn. Và tình cảm như vậy làm cho nó dần nói không với tiêu cực. Chứ làm một vài hoạt động mà lại bảo ngay có tác động rõ như thế nào thì khó, giáo dục phải có thời gian” - cô Phương Anh chia sẻ .

“Nhưng tôi nghĩ rằng hoạt động này thực sự có hiệu quả bởi ở trường nhiều năm nay không có tình trạng đánh nhau". Cô cũng tự hào "Xe cộ mang vào trường không ghi vé mà không mất cắp. Máy tính, cặp sách học sinh để thoải mái trên bàn, trong sân trường… nhưng không bao giờ mất. Các em nhặt được của rơi mang trả lại nhiều lắm”.

Niềm vui của cô Phương Anh còn là “đi quanh sân trường không nghe thấy học sinh chửi bậy”.

Và nhất là, “Trước đây học sinh cứ "phong" thầy cô chủ nhiệm là đại ca nọ đại ca kia. Nhưng bây giờ, các em gọi là u, là thầy. Tức là tình cảm thầy trò đã gần hơn nhiều lắm”.

Mỗi năm có 36 giờ chào cờ. Trường có 6 tổ chuyên môn, mỗi tổ đăng ký 3 chuyên đề, thực hiện trong 3 – 6 buổi chào cờ. Đoàn Thanh niên sẽ đảm nhiệm 6 buổi, và 6 buổi còn lại dành cho các dự án của các tổ chức quốc tế vào thực hiện.

Thầy cô viết kịch bản lên chương trình, học trò dẫn từ đầu đến cuối. Hình thức thực hiện rất đa dạng, từ tiểu phẩm tới hát hò, hỏi đáp…

Trường chi cho mỗi buổi sinh hoạt từ 2 – 4 triệu đồng. Một nửa dành cho xây dựng chương trình và viết kịch bản, còn lại chi phần thưởng cho phần tham gia của học sinh. Cô Phương Anh cho rằng đây là mức kinh phí quá nhỏ so với những gì nhà trường thu được.

Ngân Anh