Thực hiện hiệu quả Dự án 3 "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị" và Dự án 4 "Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số và miền núi được xác định nhằm giúp đồng bào xóa nghèo bền vững nơi miền Tây xứ Nghệ. Đây là cuộc chiến lâu dài, cần có bước đi, cách làm phù hợp nên cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Nghệ An và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4) luôn trăn trở tìm giải pháp sao cho hiệu quả nhất.
Theo đó, thay vì “cho con cá”, các đơn vị “trao cần câu” bằng việc hỗ trợ các công trình, xây dựng các mô hình chăn nuôi trồng trọt, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào. Những cách làm phù hợp đã góp phần giúp bà con thay đổi tư duy, lối nghĩ, cách làm trong công cuộc thoát nghèo, nhờ đó góp phần giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương miền núi Nghệ An.
Tại các bản làng ở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong đã từng bước vươn lên xây dựng đời sống mới. Ngay từ Quốc lộ 48, tuyến đường bê tông phẳng lỳ dẫn tới các bản tạo điều kiện thông thương hàng hoá cho đồng bào. Cùng với đó, hệ thống nước sạch, điện lưới phục vụ sinh hoạt của bà con, điện chiếu sáng đã vào tận các bản làng.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quế Phong và các đơn vị trực thuộc huy động hàng chục nghìn ngày công giúp nhân dân vệ sinh môi trường, làm hàng chục km đường giao thông nông thôn; kéo đường ống dẫn nước, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, sửa sang nhà cửa; xây dựng, nâng cấp trường học, trạm y tế xã, công trình dân sinh...
Sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của bộ đội đã giúp xã Nậm Giải thay da đổi thịt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm mạnh từ 80% xuống còn dưới 60%.
Tương tự, tại huyện Kỳ Sơn, tuyến đường từ ngã ba Khe Kiền vào các xã Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Ải, Mường Típ cũng được mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ. Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn cho biết, đổi thay của toàn huyện hôm nay là sự chung sức của cán bộ, nhân dân cùng nỗ lực có được.
Từ những mô hình, công trình thiết thực, hiệu quả đã góp phần giúp nhân dân các địa phương miền Tây Nghệ An vơi bớt đói nghèo. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương trung bình giảm 2,4%/năm.