Công tác truyền thông chính sách có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào đời sống thực tiễn.
Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá thì công tác truyền thông chính sách hiện vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp…
Theo kết quả khảo sát mới đây do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tại 59 cơ quan là bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác truyền thông chính sách, thì 40/59 cơ quan tham gia khảo sát vẫn chưa có đội ngũ truyền thông chuyên trách; nhân lực làm công tác truyền thông ở cơ quan nhà nước chưa được chuẩn hóa, thường là kiêm nhiệm các công việc khác. Năng lực giải thích, diễn giải cụ thể chính sách, quy định của một số cơ quan nhà nước để người dân hiểu và chủ động tuân thủ còn hạn chế…
Thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027", thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Nội dung của tài liệu được công bố công khai tại địa chỉ: https://pbgdpl.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=4486&l=HoatdongPBGDPLotrun.
Đây là tài liệu đầu tiên hướng dẫn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng trong thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; trang bị cho đội ngũ công chức pháp chế các bộ, ngành trung ương, địa phương, báo cáo viên pháp luật và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý báo chí, thông tin điện tử, thông tin cơ sở về kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông phù hợp, hiệu quả, thiết thực để vận dụng trong quá trình tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật.
Bên cạnh nội dung những vấn đề chung về truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu nêu trên còn cung cấp thông tin khá chi tiết về những kỹ năng cần có của người làm truyền thông chính sách.
Cụ thể gồm: Kỹ năng xây dựng kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách; Kỹ năng xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách thông qua một số tài liệu truyền thông trực quan; Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng; Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách tại địa bàn cơ sở thông qua hoạt động văn hóa cơ sở; Truyền thông dự thảo chính sách cho người lao động trong doanh nghiệp; Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Kỹ năng góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Kỹ năng tích hợp, đăng tải, khai thác thông tin nội dung dự thảo chính sách và những vấn đề liên quan trên Cổng thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, các phần mềm về phổ biến, giáo dục pháp luật; Kỹ năng tổ chức diễn đàn, đối thoại lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Kỹ năng cung cấp thông tin, tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý và phản hồi ý kiến góp ý đối với dự thảo chính sách
Cùng với đó, thông qua tài liệu, những người làm truyền thông chính sách còn được tham khảo một số hình thức truyền thông dự thảo chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; và một ví dụ cụ thể về hoạt động tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp vẫn đang tiếp tục ghi nhận các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện tài liệu, đáp ứng yêu cầu của công tác truyền thông dự thảo chính sách trong tình hình mới.