"Mean girl/boy" - những cô nàng hoặc anh chàng thích bắt nạt, hung hăng, thể hiện - luôn có mặt từ trung học, đại học cho đến nhiều môi trường khác nhau trong đời sống.

Ở nơi công sở, họ được gọi là "mean colleague" (tạm dịch: đồng nghiệp xấu tính).

Có rất nhiều lý do để họ trở nên như vậy. Một số người mong muốn được chú ý, số khác có tính hay ghen tị hoặc xem bạn như một đối thủ cạnh tranh.

Nằm trong tầm ngắm của một "mean colleague", bạn có thể chịu áp lực tinh thần, cảm thấy chán nản công việc hoặc lo lắng, căng thẳng về cuộc sống.

Dưới đây, Wisestep định nghĩa những hành vi của một người xấu tính nơi công sở và gợi ý cách để bạn ứng phó trong tình huống này.

Đồng nghiệp xấu tính có thể làm gì?

Họ cô lập bạn

Khi đi làm, bạn sẽ muốn có mối quan hệ vui vẻ, hòa đồng cùng mọi người. Nhưng những đồng nghiệp xấu tính sẽ tìm cách cô lập, khiến bạn rơi vào cảm giác xa rời tập thể.

Ví dụ, họ có thể đẩy bạn vào tình huống không thể đi ăn trưa cùng nhóm, phải ở lại văn phòng một mình.

Ăn cắp ý tưởng

Một "mean colleague" sẽ chiếm đoạt những thứ mà người khác muốn có. Ví dụ, khi bạn mong muốn thành công trong dự án, họ sẽ tẩy chay, chê bai thậm tệ những ý tưởng hoặc quan điểm của bạn.

Thậm chí, họ sẽ ăn cắp ý tưởng của bạn. Một số người kết bạn chỉ để lợi dụng trí thông minh của người khác.

Nói dối, buôn chuyện và tung tin đồn

Nếu khó chịu với bạn, những "mean colleague" sẽ nói dối và tung tin đồn để làm hỏng danh tiếng của bạn. Họ sẽ tấn công vào các mối quan hệ bạn đang gây dựng, chia rẽ bạn, thậm chí là làm hỏng những mối quan hệ cá nhân của bạn.

Thao túng

Những người xấu tính nơi công sở thường không để lộ suy nghĩ của mình. Họ thường tỏ ra tốt bụng, thu hút được sự chú ý từ mọi người.

Tuy vậy, trong thâm tâm, họ có thể thao túng và xoay chuyển sự lựa chọn của người khác, khiến nạn nhân cảm thấy mất niềm vào bản thân.

Trở thành nạn nhân của "mean colleague", bạn có thể cảm thấy lo lắng, đơn độc và mất niềm tin vào bản thân. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Đối phó

Yêu bản thân

Mọi người sẽ tôn trọng bạn nếu bạn biết cách tôn trọng chính mình. Những đồng nghiệp xấu tính thường tìm kiếm mục tiêu là những người yếu đuối hoặc dễ dàng thao túng, họ cảm thấy hả hê nếu bạn rơi vào bẫy tâm lý.

Khi nhận thấy người này đang công kích, xúc phạm mình, bạn cần dũng cảm bảo vệ bản thân, không phục tùng những gì mà họ sai bảo. Nếu họ phản bác những ý tưởng của bạn, đừng im lặng, hãy nói lên quan điểm của bạn, như vậy họ sẽ không coi thường và xem bạn là mục tiêu.

Khống chế cảm xúc

Điều mà những kẻ bắt nạt thích nhất chính là nhìn thấy bạn uất ức. Nếu bạn tỏ ra sụp đổ, đó là lúc họ đạt được điều mình muốn.

Nếu bạn không đủ can đảm để đối đầu trực tiếp với một "mean colleague", cách tốt nhất, bạn nên phớt lờ hoàn toàn và mặc kệ những gì họ nói. Bạn không thể điều khiển hành vi của người khác, nhưng có thể kiểm soát cách tiếp nhận thông tin của mình.

Không tự đổ lỗi

Nghe lời công kích của một "mean colleague", bạn có thể bắt đầu để tâm và nghi ngờ tính cách, năng lực và giá trị của mình.

Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ đổ lỗi cho bản thân khi bị cô gái đó đánh giá thấp, hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng chọn bạn là có lý do.

Xây dựng mối quan hệ

Những kẻ bắt nạt thường đi theo số đông, vì vậy bạn cũng nên mở rộng quan hệ của mình và tạo dựng một nhóm riêng ở nơi văn phòng. Điều này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều và giúp bạn không cảm thấy cô đơn.

Một đồng nghiệp xấu tính sẽ cố gắng khiến những người đồng nghiệp chống lại bạn. Vì vậy, bạn đừng chia sẻ quá nhiều điều với bất kỳ ai, phòng trường hợp có thể đâm sau lưng.

Tìm kiếm bằng chứng

Chắc chắn rằng những kẻ bắt nạt có lúc sơ hở, bạn hãy ghi lại những bằng chứng đó. Ví dụ, khi họ thêu dệt hoặc nói xấu, bạn có thể chụp ảnh màn hình tin nhắn hoặc ghi âm.

Việc có sẵn trong tay bằng chứng của họ sẽ giúp bạn phản công trong một số trường hợp cần thiết.

Chia sẻ

Nếu bạn không thể chia sẻ áp lực của mình với đồng nghiệp, hãy kể với bạn bè hoặc người thân, họ có thể đưa ra một số lời khuyên hữu ích. Việc chia sẻ cũng giúp bạn thoát khỏi sự tra tấn về mặt tinh thần.

Theo Zing