Làm chủ công nghệ, chủ động kiểm soát chất lượng
Với một chiếc điện thoại, anh Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, Quảng Yên) đã nắm bắt được mọi thông tin tại trang trại nuôi vịt của mình, từ nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, liều lượng thức ăn uống, thời điểm tiêm vắc-xin… Nhờ đó, anh Cường có thêm nhiều thời gian để lo việc gia đình cũng như làm việc, tìm kiếm đối tác.
Đàn vịt thương phẩm tại trang trại của anh Cường được nuôi theo công nghệ nhà lạnh khép kín, chăm đàn vịt đẻ bằng công nghệ ấp trứng tự động, mọi hoạt động sản xuất đều đã vào quy trình với sự hỗ trợ một phần của máy móc thiết bị tự động. Hiện trang trại nuôi đến 30.000 con/năm và 7.000 con vịt đẻ mỗi ngày.
Cũng thông qua chiếc di động, anh Nguyễn Văn Thiện (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) có thể điều khiển việc tưới tiêu cho hơn 2ha chè của gia đình. Đồng thời, anh Thiện cũng thực hiện việc bón cho cây qua hệ thống này.
Trong khi đó, chị Bùi Thị Nhàn (phường Yên Giang, Quảng Yên) mỗi ngày đều nhận được đơn hàng lớn cho sản phẩm mắm tép, thịt ruốc bề, mắm tép chưng tôm thịt… nhờ việc livestream bán hàng qua nền tảng xã hội. Không chỉ cơ sở sản xuất của chị Nhàn phát triển mà còn góp phần mang lại việc làm cho những người lao động khác.
Tại Quảng Ninh, không chỉ anh Cường, anh Thiện hay chị Nhàn mà hàng nghìn người nông dân khác đang ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông sản mỗi ngày. Hiện Quảng Ninh có gần 100.000 nông dân, chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh, nhiều người trong số đó không cần “trông trời, trông đất”, cũng không cần “ruộng vườn thẳng cánh cò bay” vẫn có thể tạo ra được sản lượng lớn với chất lượng cao.
Theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh, việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện có trên 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 95% diện tích canh tác; hơn 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất.
Hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt trên 80%; tưới tiêu chủ động đạt 80% diện tích. Ngoài ra, còn nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hoá trong chế biến thức ăn chăn nuôi, tự động cho ăn, uống, máy vắt sữa, nghiền thức ăn... được thực hiện, đầu tư cơ bản ở các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi.
Công nghệ cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản với 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 98,7%); trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn.
Đồng hành cùng người nông dân phát triển nông nghiệp hiện đại
Với kỳ vọng tạo tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp đến với thị trường trong nước và quốc tế, từ nhiều năm qua, Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Chính quyền tỉnh cùng Hội Nông dân các cấp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao…
Theo đó, Hội Nông dân đã tổ chức hàng loạt hội nghị tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức hội nghị tư vấn, đối thoại, giải đáp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực phẩm chất lượng, an toàn theo chuỗi...
Người làm nông nghiệp cũng được hướng dẫn kỹ năng cơ bản để truy cập, khai thác các ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, email; giới thiệu phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; tạo lập, hỗ trợ kỹ thuật trong các trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT cũng đã hoàn thiện phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/.
Hệ thống giúp cấp tài khoản tham gia quản lý cho các cơ sở là các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, sản thực phẩm của TP. Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ NN&PTNT.
Trong thời gian tới, Quảng Ninh lên kế hoạch tiếp tục tập trung nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn phù hợp việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, từng bước tiến tới tự động hóa trong khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, phù hợp với điều kiện từng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từng loại cây trồng, vật nuôi chính.
Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực sử dụng thành thạo các máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại hỗ trợ bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho nông sản Quảng Ninh.
H.D