Chợ Viềng (Nam Định)
Chợ Viềng là phiên chợ cầu may nổi tiếng ở Nam Định, mỗi năm chỉ họp một lần vào lúc nửa đêm mùng 7 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng.
Chợ Viềng bán nhiều mặt hàng từ cây cảnh, cây giống, đến các đồ nông cụ, sản xuất nông nghiệp. Nhiều người cho rằng, mua những vật dụng này tại đây sẽ giúp họ có một mùa màng bội thu, no đủ. Việc bán mua ở đây chỉ cốt để “bán rủi, mua may".
Chợ Chuộng (Thanh Hoá)
Chợ Chuộng mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên vào mùng 6 Tết tại xã Ðông Hoàng, huyện Ðông Sơn, Thanh Hóa.
Nét độc đáo của chợ Chuộng là ai đến chợ bị nhiều cà chua ném vào người thì năm mới người đó sẽ gặp nhiều may mắn, có nhiều lộc nhiều tài. Vì thế, tại phiên chợ thường bán rất nhiều cà chua chín đỏ.
Chợ Gò (Bình Định)
Chợ Gò (ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) chỉ họp duy nhất vào mùng 1 Tết và mang đậm nét văn hóa miền đất võ Bình Định.
Mặt hàng bày bán ở chợ Gò không đa dạng như ở nhiều chợ khác, chủ yếu là cây nhà lá vườn của những cư dân quanh vùng nuôi trồng được. Nét đẹp của phiên chợ Gò là người bán không hề nói thách còn người mua cũng không trả giá.
Chợ Âm Dương (Bắc Ninh)
Chợ Âm Dương (còn gọi là chợ Gà, chợ Âm Phủ), họp tại làng Ó (nay là làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh).
Mỗi năm, chợ chỉ họp một lần vào đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng Giêng. Tại phiên chợ này, người mua, kẻ bán không mặc cả, không đếm tiền, không dám nói cười ồn ào. Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh.
Chợ Đình Cả (Hải Dương)
Chợ Đình Cả (thuộc xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) chỉ họp một năm duy nhất một lần vào sáng mùng 2 Tết. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và sự đổi thay của làng quê, phiên chợ độc đáo này vẫn được duy trì.
Bên cạnh những mặt hàng quen thuộc phục vụ đời sống hàng ngày, chợ còn bán muối và trầu cau để những nam thanh nữ tú có cơ hội tìm được duyên lành trong năm mới. Người đến chợ du xuân đều muốn mua ít nhất một món đồ nhỏ.
Chợ Bích La (Quảng Trị)
Chợ đình Bích La (tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) được xem là phiên chợ đặc biệt bởi chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm, từ tối mùng 2 đến sáng mùng 3 Tết.
Nét độc đáo của phiên chợ này là người bán không bao giờ nói thách nên người mua cũng không bao giờ trả giá. Chợ khá đa dạng mặt hàng nhưng chủ yếu là những sản vật của địa phương. Ai đến chợ cũng cố mua cho được một thứ gì đó với mục đích cầu may mắn.
Chợ Gia Lạc (Thừa Thiên - Huế)
Chợ Gia Lạc, còn gọi là phiên chợ Hoàng gia, có từ thời vua Minh Mạng (1820-1840). Chợ chỉ họp mỗi năm một phiên, vào ba ngày Tết, với nhiều món ăn cung đình và đặc sản của các địa phương.
Đầu xuân, đi chợ Gia Lạc đã trở thành truyền thống lâu đời của người dân Huế. Họ đi chợ cốt mong được cái lộc đầu năm, sự may mắn suôn sẻ, sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình, tham gia các trò chơi dân gian để thử vận đầu năm. Khi đi chợ, người ta không nói từ “mua, bán” mà thay vào bằng từ “biếu, tặng”.
Chợ đình Phong Lôi (Thái Bình)
Phiên chợ này một năm chỉ họp duy nhất một lần, vào ngày mùng 2 Tết. Phiên chợ được tổ chức tại sân đình Phong Lôi Tây (xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), được duy trì hàng chục năm qua. Chợ chỉ bán đồ chơi cho trẻ em. Khách hàng của phiên chợ độc đáo này toàn là trẻ em.