LTS: TP.HCM và các tỉnh lân cận có nhiều ngôi chùa cổ không chỉ có kiến trúc đặc sắc mà còn sở hữu những pho tượng đặc biệt. Mỗi bức tượng của các chùa này đều ẩn giấu những câu chuyện, giá trị văn hóa tâm linh riêng.

VietNamNet giới thiệu loạt bài ghi lại những điều đặc biệt ở một số ngôi chùa có tượng Phật độc đáo. Các bài viết đem lại thông tin, giá trị mới của những ngôi chùa vốn đã là danh lam cổ tự. 

Kỳ 1: Báu vật của ngôi chùa gần 300 tuổi có tượng Phật nằm dài nhất châu Á

Kỳ 2: Bí mật trăm năm của ngôi chùa có pho tượng được làm từ vật liệu bất ngờ

Một góc ngôi chùa cổ Phụng Sơn.

Danh thắng bậc nhất thành Gia Định

Tại TP.HCM hiếm có ngôi chùa nào được xây dựng trên vùng đất có dấu ấn của 2 lớp văn hóa như chùa Phụng Sơn (quận 11, TP.HCM). Với kiến trúc cổ kính, không gian thanh tịnh, xanh mát, ngôi cổ tự được nhiều người tìm đến chiêm bái mỗi ngày.

Tuy vậy, ít ai biết nguồn gốc của ngôi chùa cổ từng được sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ca tụng là “danh thắng bậc nhất của đất Gia Định xưa". Hòa Thượng Thích Trí Định, Viện chủ chùa Phụng Sơn cho biết, chùa được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19 dưới đời vua Gia Long.

Chùa được thành lập từ thời vua Gia Long.

Vào thời gian này, trên bước đường vân du hành đạo, Thiền sư Liễu Thông đã đến vùng đất Gia Định. Ông dừng chân bên một gò đất cao. Dưới chân gò đất này có bàu sen nước trong, xanh mát quanh năm.

Thấy cảnh u nhàn, thiền sư quyết định dừng chân, dựng am tranh thờ Phật, tu đạo. Ông đặt tên cho am tranh của mình là chùa Gò vì được dựng trên gò đất cao. Về sau, ông đổi tên chùa thành chùa Phụng Sơn. Việc đổi tên chùa cũng có giai thoại thú vị.

Hòa Thượng Thích Trí Định cho biết: “Một hôm, Thiền sư Liễu Thông thấy có một con chim phụng từ đâu bay đến đậu trên cây ngô đồng, ăn trái, hót vang. Sau đó, chim bay về phía cổng chùa rồi đậu trên cành đa.

Nhận thấy đây là điềm lành, thiền sư quyết định đổi tên chùa từ chùa Gò thành chùa Phụng Sơn. Tên ấy tồn tại từ đó đến bây giờ”.

Cảnh đẹp và không gian tĩnh lặng của chùa thu hút nhiều phật tử đến chiêm bái mỗi ngày.

Cũng theo Hòa Thượng Trí Định, vị trí của chùa khi xưa là nền móng của một ngôi chùa Khmer cổ đã hoang phế nhiều năm. Phát hiện trên đã thu hút nhiều nhà khảo cổ học. Sau đó, nhiều cuộc đào thám sát cũng được tiến hành.

Đặc biệt, trong hai cuộc đào thám sát vào năm 1988, 1991, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều hiện vật bằng đất nung, gạch, gốm Óc Eo… Điều này cho thấy dưới nền ngôi chùa cổ từng tồn tại ngôi đền thần của đạo Bà La Môn từ thời văn hóa Óc Eo.

“Với các phát hiện trên, chùa Phụng Sơn nằm trong vùng đất có dấu ấn của 2 lớp văn hóa: đền thần đạo Bà La Môn và sau này là ngôi chùa Khmer. Chùa cũng là địa điểm duy nhất ở TP.HCM lưu dấu vết tích nền văn hóa Óc Eo, nền văn hóa đã cách chúng ta ngày nay hơn 1.500 năm”, Hòa Thượng Thích Trí Định nói.

Khuôn viên ngôi cổ tự rợp bóng cây trái, cổ thụ.

Có tuổi đời hơn 200 năm, trải qua nhiều biến cố, chùa Phụng Sơn vẫn giữ được nét đẹp kiến trúc vốn có. Chùa lợp ngói âm dương dưới bộ khung được làm bằng nhiều loại gỗ quý. Các vì kèo được thiết kế, chạm đầu rồng công phu, tinh xảo.

Những pho tượng kỳ lạ

Ngoài có cảnh sắc cổ kính, trầm mặc, chùa Phụng Sơn còn sở hữu những pho tượng có xuất xứ, niên đại đặc biệt. Một trong số này là bức tượng Phật A Di Đà bằng đá trắng được đặt trang trọng ở tầng cao nhất của chính điện.

Nguồn gốc của pho tượng này cũng khá kỳ lạ. Các tài liệu tại chùa cho biết, pho tượng này được người dân tìm thấy khi đào rạch Lò Gốm và năm 1911. Theo sách Chùa Phụng Sơn – Lịch sử và Văn hóa của Đặng Hoàng Lan và Hầu Hải Tài, pho tượng này được chế tác vào khoảng thế kỷ VII.

Tượng Phật A Di Đà bằng đá trắng (tượng lớn nhất) được dát 200 miếng vàng lá.

Tượng ban đầu vốn được chế tác từ đá trắng. Tuy nhiên sau khi đưa về chùa, tượng được dát 200 miếng vàng lá. Ngoài ra, chùa cũng sở hữu bức tượng Phật Thích Ca bằng đồng có xuất thân kỳ lạ không kém. Bức tượng này được vớt lên từ ao sen trong khuôn viên của chùa.

Bức tượng này có liên quan đến một giai thoại khác của chùa. Tương truyền, xưa kia khi người Khmer bỏ chùa đi đã đem tượng phật, chuông chất lên lưng con voi trắng. Đoàn người đi về hướng Tây Bắc.

Tượng Phật Thích Ca bằng đồng được tìm thấy dưới bàu Chuông có niên đại vào khoảng thế kỷ XII-XIII.

Khi con bạch tượng đi đến bàu sen quanh chùa thì bị sụp chân khiến tượng phật, chuông rơi hết xuống nước. Sau này, người dân tìm, vớt được tượng phật bằng đồng và đưa vào chùa thờ cho đến bây giờ.

Hòa Thượng Trí Định kể: “Riêng chiếc chuông, mọi người khổ công tìm kiếm nhưng vẫn không thấy. Từ đó, vào giờ lành ngày kiết mỗi tháng, người dân xung quanh thường nghe tiếng chuông vọng lên từ bàu nước.

Do đó, bàu sen được đặt tên là bàu Chuông. Sau này, người dân lấn đất, đổ chất bẩn xuống bàu Chuông. Từ đó, không ai còn nghe tiếng chuông nữa. Để ghi nhớ giai thoại này, chùa xây tượng bạch tượng chở tượng phật, chuông trong khuôn viên chùa”.

Tượng Phật Thích Ca bằng gỗ theo phong cách Nhật Bản có niên đại từ thế kỷ VII-XIV.

Niên đại của pho tượng nói trên cũng có nhiều ý kiến. Tuy vậy, sách Chùa Phụng Sơn – Lịch sử và Văn hóa cho rằng, đây là pho tượng Thích Ca phong cách Thái Lan có niên đại vào khoảng thế kỷ XII-XIII.

Được bài trí bên cạnh tượng Phật Thích Ca bằng đồng là một tượng Phật Thích Ca khác được tạo tác từ gỗ. Điều đặc biệt là bức tượng này được ghép nối từng phần chứ không tạc từ gỗ nguyên khối như nhiều tượng phật khác.

Trong tác phẩm Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ, PGS.TS Trần Hồng Liên nhận định, bức tượng này mang phong cách Nhật Bản và có niên đại từ thế kỷ VII-XIV.

Tượng Tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (bên trái), Tổ sư Đạt Ma bằng gốm men nhiều màu của Sài Gòn đầu thế kỷ XX.

Chùa Phụng Sơn cũng gây chú ý khi sở hữu tượng Tượng Tiêu Diện Đại Sĩ, Tổ sư Đạt Ma bằng gốm men nhiều màu của Sài Gòn đầu thế kỷ XX. Các bức tượng này từng được Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm Sài Gòn 300 năm mượn trưng bày triển lãm.

Ngoài ra, chùa còn sở hữu nhiều hệ thống tượng thờ đặc sắc khác như: Tượng Hộ Pháp, tượng Quan Thánh, Thập Điện Diêm Vương, tượng Long Vương và Linh Sơn Thánh Mẫu, Địa Tạng Vương Bồ Tát, bộ tượng Ngũ vị, tượng tổ... Năm 1988, chùa được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa.

Kỳ 4: 10.000 bức tượng độc đáo của ngôi chùa sở hữu máy xin xăm tự động