Hóc dị vật là một tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 1-5 tuổi, do vật lạ rơi vào đường thở hay thực quản, gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn. Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như tổn thương não không hồi phục, thậm chí gây tử vong.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hóc dị vật ở trẻ nhỏ, điều quan trọng là do sự lơ là, chủ quan, thiếu kiểm soát của người lớn.

Ngoài ra, trẻ còn nhỏ rất tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh và bỏ vào miệng tất cả những gì rơi vào tầm tay. Trẻ ăn uống khi đang khóc hoặc đùa giỡn khi có thức ăn trong miệng. Trẻ ăn thức ăn dễ hóc, không phù hợp với từng lứa tuổi.

Bé chưa có răng hàm nên không thể nhai và nghiền nát hoàn toàn các mẩu thức ăn cứng. Việc nhai và nuốt cũng chưa thuần thục (quả có hạt như nhãn, chôm chôm, loại hạt cứng, thạch rau câu, hạt trân châu...). Đặc biệt vào thời điểm hè các loại quả có hạt cứng phụ huynh cho trẻ sử dụng không cẩn thận rất dễ dẫn đến tình trạng bị hóc.

W-hocdivat.png
Không cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ. 

Dị vật đường thở rất nguy hiểm. Dị vật kích thước lớn có thể di chuyển từ vùng hầu họng xuống đến khí phế quản gây bít cả đường thở trên dẫn tới ngạt thở, sau đó tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Với các dị vật nhỏ hơn, tùy theo kích thước hoặc hình dáng có thể vào sâu trong khí quản, phế quản gốc hoặc các phế quản thùy phổi, gây ho, khó thở, khò khè giống hen suyễn.

Biểu hiện trẻ hóc dị vật rất rõ. Trẻ đang bú, đang ăn hoặc đang chơi đột nhiên lên cơn ho sặc sụa, mặt đỏ và/ hoặc tím tái, vã mồ hôi, thở gắng sức, ý thức trẻ lịm dần... Nếu dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn có thể ngưng thở ngay lập tức, tiếp đó hôn mê và tử vong.

Nhiều bậc phụ huynh mắc sai lầm khi sơ cứu cho trẻ bị hóc dị vật, khiến tình trạng của trẻ không giải quyết được mà còn nặng hơn như:

- Mất bình tĩnh để nhận định có phải trẻ bị hóc dị vật đường thở không? Thiếu kiến thức về xử trí sơ cứu không đúng cách khi trẻ bị hóc dị vật.

- Cố gắng lấy tay hoặc các vật khác vào miệng trẻ để móc dị vật ra. Điều này có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng của trẻ.

- Sử dụng một số mẹo dân gian như: cho trẻ nuốt cơm, hoa quả,... điều này có thể khiến tình trạng hóc dị vật trở nên nghiêm trọng hơn.

- Vuốt xuôi ngực: Mỗi khi trẻ sặc hay nghẹn, nhiều bậc phụ huynh vuốt ngực cho trẻ, đây là cách  làm sai vì có thể làm dị vật chui sâu hơn vào đường thở.  

Đình Thành và nhóm PV, BTV