Từ chiến thuật vây lấn đến con cúi chắn đạn

Trong đợt hai của chiến dịch (bắt đầu từ ngày 30/3/1954), Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã sáng tạo ra chiến thuật bao vây đánh lấn, tiêu diệt hai vị trí địch 106 và 206 bảo vệ phía tây sân bay Mường Thanh. Sáng kiến của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương và kịp thời phổ biến ra toàn mặt trận cùng học tập và vận dụng.

Trên cơ sở những thắng lợi vừa giành được, trung đoàn phát triển vây lấn tiếp các cứ điểm 206 và 311B. Toàn bộ kinh nghiệm trước đó được vận dụng ngay vào chiến đấu. Bởi vậy, việc công kích đã diễn ra suôn sẻ, nhanh gọn mà số thương vong lại không đáng kể.

Trong sách “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về sáng kiến này và bổ sung về những “con cúi” chắn đạn mà các chiến sĩ trung đoàn 36 đã sáng tạo ra: Nằm sâu bên trong, Huguette (Huy ghét) 1 cũng bị trung đoàn 36 bao vây bằng trận địa chiến hào từ ba ngày nay. Sau khi Huguette 7 và Huguette 6 bị tiêu diệt, Huguette 1 trở thành vị trí đột xuất ở phía bắc khu trung tâm. Bảo vệ vị trí là đại đội 4 của lữ đoàn lê dương 13. Những tên lính lê dương ở đây chống cự khá quyết liệt. Các chiến sỹ bắn tỉa đã có kinh nghiệm kiên trì chiến thuật vây lấn, quyết tâm giành thắng lợi với tổn thất ít nhất về người và vũ khí.

Suốt thời gian chuẩn bị, cán bộ, chiến sĩ luôn luôn cùng nhau bàn bạc cách khắc phục mọi khó khăn. Họ đã dùng những con cúi làm lá chắn, đưa chiến hào từ xa tiếp cận cứ điểm. Những khối rơm bện dài 2 mét, đường kính 1,50 mét đã hút hết đạn thẳng, bảo đảm an toàn cho những người đào trận địa phía sau nó.

Tuy nhiên, đến khi chiến hào đào vào gần cứ điểm thì “con cúi” giảm tác dụng, vì không ngăn được hỏa lực lướt sườn cũng như lựu đạn từ bên trong ném ra. Tốc độ đào chiến hào chậm hẳn lại.

{keywords}
Lòng quyết tâm và chiến lược khôn khéo góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ


Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36 Phạm Hồng Sơn cũng từng kể rằng: “Có các chiến sĩ mới bổ sung từ đồng bằng địch hậu lên, họ nói họ là du kích đồng bằng Bắc Bộ, có kinh nghiệm đào địa đạo và đánh độn thổ. Chỉ cần trung đoàn tổ chức trận địa hỏa lực yểm hộ và tổ chức đào chiến hào lấn dũi luồn qua các lớp rào dây thép gai của địch, từ đó quân ta bất ngờ vọt lên, hai mũi giáp công lọt vào đồn địch chia cắt, tiêu diệt địch".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết tiếp trong sách của ông: “Có mấy chiến sĩ tân binh, vốn là du kích ở địch hậu, đề nghị cho đào dũi, khoét ngầm dưới mặt đất vào tới lô-cốt địch. Lúc đầu, cán bộ ngại làm theo cách này sẽ mất nhiều thời gian quá. Nhưng khi cho một tổ đào thử, thấy không chậm hơn đào chiến hào lộ thiên, vì có thể đào cả ban ngày. Phương án đào dũi được chấp nhận, tuy có vất vả, nhưng tránh được thương vong và giữ được bí mật”.

Dùng pháo 75mm để “bắn tỉa”

Trong hồi ký “Những chặng đường chiến đấu”, Trung tướng Vương Thừa Vũ, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 trong chiến dịch Điện Biên đã kể về chiến thuật dùng pháo “bắn tỉa” địch như sau:

Từ sau khi địch ở Bản Kéo ra hàng (16/3), trung đoàn 36 được lệnh lấy Bản Kéo làm bàn đạp đào chiến hào tiến ra cứ điểm 106 chuẩn bị tiến công. Việc đào hào ở đây mỗi lúc một thêm khó khăn. Càng đào xa Bản Kéo, càng gần vị trí địch, nên chúng tập trung bắn phá ác liệt và liên tục cho quân ra lấp hào. Đêm trước ta mất bao nhiêu công sức đào thêm được vài chục mét, hôm sau địch lấp đi, quãng không lấp được thì chúng đặt mìn, gài bẫy. Đường hào cứ như sợi chun giãn ra, co lại, ta đào địch lấp, địch lấp ta đào…

Phải đánh không cho chúng lấp hào - đó là ý kiến chung của các chiến sĩ. Ý kiến này được trung đoàn tổ chức thực hiện ngay, ta bố trí quân phòng ngự giữ hào. Nhưng qua một ngày thử thách, các phân đội nhỏ ra phòng ngự bị súng cối của địch đánh bật lại và hào lại bị lấp.

Đứng trên đồn Bản Kéo quan sát thấy hiện tượng giằng co này, đồng chí trung đoàn trưởng Hồng Sơn băn khoăn tự hỏi: Sao lại để địch tự do bắn mình? Có cách nào diệt nó không?

Rồi rất nhanh, đồng chí Hồng Sơn gọi dây nói về sở chỉ huy đại đoàn: "Yêu cầu đại đoàn cho pháo 75mm ra ngay Bản Kéo để yểm hộ trung đoàn giữ hào".

Đây là một ý kiến hay, tiến công để phòng ngự. Đại đoàn nhanh chóng thoả mãn yêu cầu của trung đoàn. Một trận địa pháo đã được bí mật xây dựng trên đồi Bản Kéo để làm nhiệm vụ bắn yểm trợ cho bộ binh giữ hào, bắn ngắm trực tiếp phá hoại các lô cốt địch. Cự ly gần nhất từ nòng pháo đến lô cốt địch cũng phải hơn một kilômét. Giữa bộ binh và pháo binh sôi nổi bàn bạc kế hoạch hợp đồng chiến đấu.

Từ những vấp váp thực tế, từ những quan sát cụ thể trong quá trình tổ chức bộ đội xây dựng trận địa và giữ trận địa, chống lại mọi hành động đánh phá của địch, đồng chí trung đoàn trưởng trao đổi ý kiến với pháo binh một phương pháp đánh phù hợp với điều kiện cụ thể ở đây: đề nghị pháo binh chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm bắn trúng lô cốt địch. Loạt đạn đầu “tỉa” cho một lô cốt, “tỉa” cái nào tuỳ các đồng chí chọn, nhưng đã “tỉa” là phải sập. Chưa cần nhiều, “tỉa” một cái thôi.

Danh từ bắn “tỉa” và biện pháp bắn “tỉa” xuất hiện từ đây, từ đồi Bản Kéo và được áp dụng lần đầu có hiệu quả ở cứ điểm 106 - tây sân bay Mường Thanh.

Từ pháo 75 mm, biện pháp bắn tỉa phát triển nhanh sang súng cối, súng ĐKZ. Địch ở cứ điểm 106 lâm vào thế lúng túng, hết ụ súng này bị sập lại đến lô cốt khác bị vỡ, chạy chữa không kịp. Cũng do hiệu quả của bắn tỉa, bộ đội ta có điều kiện an toàn, nhanh chóng đào chiến hào vào gần vị trí địch, tạo cho các tay súng bộ binh có chỗ đứng thích hợp tham gia bắn tỉa, khiến cho mọi hoạt động của địch đều phải rút xuống mặt đất.

Thần kinh địch căng nhão, chúng thấy ngồi trong lô cốt cũng không an toàn, vì rất có thể bị một quả đạn pháo, đạn cối “tỉa” sập, rất có thể một viên đạn súng trường chui qua lỗ châu mai “tỉa” trúng đầu, trúng ngực chết bất thần.

Trong khi đó, chiến hào của ta cứ vươn dài, chỉ còn cách địch khoảng một trăm mét. Trận địa đánh lấn càng vào gần, địch càng bắn phá ác liệt. Các chiến sĩ phát huy sáng kiến, bện con cúi bằng rơm to như cây gỗ xẻ. Moi đào đến đâu đẩy con cúi đến đó để đỡ đạn.

Cứ thế bộ đội ta vừa dũng cảm vừa kiên nhẫn đào lấn vào đồn địch, cho đến 31/3, khi điều kiện đã chín muồi, trung đoàn 36 quyết định tiến công đánh vào cứ điểm 106 là cứ điểm cách đây không lâu đã tỏ ra chủ quan, ngạo mạn. Trận đánh thắng lợi nhanh gọn, tên chỉ huy cứ điểm bị bắt sống.

Trung tướng Vương Thừa Vũ kể tiếp là sau trận này, Bộ chỉ huy mặt trận cử ông Lê Quang Đạo xuống thăm trung đoàn 36, chuyển lời khen ngợi của Bộ chỉ huy tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trung đoàn và cùng với trung đoàn rút kinh nghiệm nâng lên thành một cách đánh mới - đánh lấn.

Danh từ đánh lấn, hay gọi là chiến thuật đánh lấn ra đời từ những kinh nghiệm của bắn “tỉa”, kinh nghiệm của những ngày vây lấn để cuối cùng tiến công tiêu diệt cứ điểm 106. Trung đoàn 36 được xem như quê hương của bắn tỉa, đánh lấn.

Đánh lấn nâng lên thành chiến thuật đánh lấn được truyền đi rất nhanh, được các đơn vị áp dụng và thu nhiều thắng lợi. Sân bay Mường Thanh bị uy hiếp nghiêm trọng, vì các đơn vị mỗi ngày một lấn tới gần. Trên sân bay này, chuyến bay cuối cùng cất cánh ngày 27/3/1954, kể từ đó quân Pháp ở Điện Biên Phủ chỉ còn tiếp xúc với bên ngoài bằng điện tín và thả dù mà thôi, và ngày thất bại của tập đoàn cứ điểm ngày một đến gần.

Lê Tiên Long