Trang Politico cho rằng, có khả năng những vũ khí trên đã được Washington bí mật gửi cho Kiev trong các gói hỗ trợ quân sự của mình.
Hệ thống Tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS)
Ngày 19/8, Mỹ thông báo đã gửi gói hỗ trợ quân sự đến Ukraine. Chỉ 2 ngày sau, một số phương tiện truyền thông cho biết những vụ tấn công nhắm vào Nga gần đây ở Crưm không phải là kết quả của các nhóm đặc nhiệm mang thuốc nổ như Ukraine thông tin.
Theo Politico, những vụ nổ này là do những tên lửa tầm xa bắn tới, trong khi Ukraine không sở hữu bất cứ tên lửa nào có tầm bắn như vậy, kể cả các vũ khí mà Mỹ và phương Tây từng cung cấp công khai.
Chính vì thế, theo Politico, rất có thể Mỹ đã bí mật cung cấp cho Ukraine Hệ thống Tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) trong gói hỗ trợ ngày 19/8. Trước đó, Washington từng cân nhắc việc gửi ATACMS cho Ukraine do lo ngại về nguy cơ xung đột vũ trang.
ATACMS từng được trang bị để thay thế cho tên lửa đạn đạo tầm ngắn MGM-52 Lance, theo Ria Novosti. ATACMS có thể nhắm trúng mục tiêu ở khoảng cách từ 140 đến 300km, xa hơn hẳn so với tên lửa Tochka-U (120km) nhưng chưa bằng Iskanders (500km) của Nga.
Quân đội Mỹ đang sở hữu 4 loại ATACMS là MGM-140A ATACMS Block 1 (tầm bắn 165km); MGM-140B ATACMS Block 1A (tầm bắn 300km); MGM-164A ATACMS Block 2 (tầm bắn 140km); MGM-168A ATACMS Block 4A (tầm bắn 270 km).
Tuy nhiên chỉ có duy nhất MGM-168A ATACMS Block 4A sở hữu đầu đạn nổ phân mảnh, được nâng cấp thêm hệ thống dẫn đường và phần mềm điều khiển giúp tăng cơ hội đánh trúng mục tiêu. Ba phiên bản còn lại được trang bị đầu đạn chùm đúng như nguyên mẫu ATACMS .
Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM)
Loại vũ khí thứ 2 từng được một quan chức thuộc quốc phòng Mỹ xác nhận đã gửi cho Ukraine là tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 (HARM).
HARM được triển khai lần đầu năm 1983, dài 4,3m, nặng hơn 360kg, có tầm bắn 48km, và vận tốc đối đa Mach 2 (2.450 km/giờ). Các phiên bản trước đây từng giúp không quân Mỹ vô hiệu hóa radar của Libya, Iraq và Nam Tư.
Riêng phiên bản nâng cấp AGM-88 HARM có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar phòng không của Nga như S-400, theo Không quân Mỹ.
Đạn pháo dẫn đường M982 Excalibur
M982 Excalibur được phát triển như một giải pháp thay thế tầm xa hơn cho đạn pháo thông thường, với dẫn đường GPS nhằm cải thiện độ chính xác. M982 Excalibur còn có tên gọi là “đạn pháo thông minh” với khả năng nhắm mục tiêu trong khoảng cách từ 30-60km với sai số 4m.
M982 Excalibur từng được sử dụng cho các lựu pháo 155mm như M777 của Mỹ và Caesar của Pháp.
Chỉ cần bắn 1 viên đạn Excalibur đã có thể trúng mục tiêu, trong khi nếu dùng đạn pháo thông thường (không điều khiển), phải cần bắn ra 10-50 viên. Theo nhà sản xuất Raytheon Technologies, đạn pháo có thể bắn trúng mục tiêu ở cự ly 70km, tùy thuộc vào cỡ nòng pháo.
Như Quỳnh