Tuy nhiên, đến nay bản kế hoạch này vẫn đang được dự thảo và lấy ý kiến.
Tôi đọc bản dự thảo kế hoạch do Bộ Công thương chủ trì và nhận thấy, còn nhiều vấn đề phải làm rõ, bổ sung, chỉnh sửa để dự thảo khả thi trên thực tế.
Quy hoạch điện 8 với các trụ cột năng lượng bền vững
Quy hoạch điện 8 đã đề ra định hướng và kế hoạch chuyển dịch năng lượng nhằm đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, các thách thức trong việc chuyển dịch năng lượng đòi hỏi phải đặt các giải pháp vào khung Trilemma nhằm đảm bảo các mục tiêu an toàn, công bằng và bền vững đã được đưa ra tại Nghị Quyết số 55-NQ/TW.
Năng lượng thế giới dựa trên ba khía cạnh cốt lõi của bộ ba năng lượng - Trilemma: An ninh, Công bằng năng lượng và Tính bền vững của môi trường. Các quốc gia thực hiện các chính sách năng lượng nhằm đạt được sự cân bằng giữa bộ ba bất khả thi sẽ đem lại sự thịnh vượng và khả năng cạnh tranh về hiệu suất năng lượng của mỗi quốc gia.
Trước hết, cần xác định chung quan điểm, Quy hoạch điện 8 là quy hoạch động và mở bởi vì các lý do sau đây:
Quy hoạch điện 8 theo đuổi mục tiêu dịch chuyển năng lượng tiến tới Net Zero năm 2050. Tuy nhiên, Việt Nam chưa sở hữu cũng như làm chủ được các công nghệ lõi về sản xuất điện; công nghệ lõi cho việc dịch chuyển năng lượng của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài.
Hiện tại chi phí năng lượng quy dẫn của một số nguồn điện năng lượng tái tạo ổn định (LCoE) vẫn còn cao so với một số nguồn năng lượng điện truyền thống. Suất đầu tư cao ban đầu sẽ là gánh nặng đối với nền kinh tế, trong khi dự báo suất đầu tư sẽ giảm mạnh theo thời gian do những đột phá về cách mạng công nghệ.
Quy hoạch điện 8 đề ra một nhu cầu mới hơn là phải tiến tới việc đáp ứng các cam kết về giảm phát thải mà những cam kết này luôn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nước ngoài.
Một số công nghệ năng lượng tái tạo mới có đề cập trong Quy hoạch điện 8 là những công nghệ mới chưa chắc chắn khả năng thương mại cao, còn là lý thuyết và thực hiện thí điểm như Hydro, các ứng dụng điện thay thế cho ứng dụng dựa trên nhiên liệu, chôn lấp CO2, phát điện bằng năng lượng tái tạo...
Với mục tiêu triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện 8, bản Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2023 đã đưa ra được bức tranh tổng thể từ danh mục và công suất nguồn điện, kế hoạch phát triển hạ tầng lưới điện, kế hoạch phát triển trung tâm phụ trợ, kế hoạch sử dụng đất và nguồn vốn dự kiến…
Những vấn đề cần làm rõ trong bản kế hoạch
Thứ nhất, quy hoạch nguồn điện đặc biệt là nguồn điện năng lượng tái tạo, có sự không thống nhất về quy mô công suất giữa Bộ Công thương, Đơn vị tư vấn lập quy hoạch và Đăng ký của các địa phương (tỉnh, thành). Nhu cầu đăng ký tại các địa phương lớn hơn rất nhiều so với đề xuất của đơn vị tư vấn và Bộ Công thương.
Như vậy, tiêu chí đề xuất phát triển quy hoạch nguồn là gì, có đảm bảo yêu cầu việc tự cân nguồn trong nội bộ vùng theo quy hoạch điện 8 hay không? Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng và cân đối phát triển các loại hình nguồn điện thuộc vùng đã được đánh giá toàn diện về nhu cầu phát triển điện gắn liền với tăng trưởng kinh tế xã hội chưa?!
Thứ 2, tính khả thi trong việc triển khai các dự án nguồn điện LNG, điện gió ngoài khơi, Hydrogen, Amoniac… Khi các dự án này không nằm trong kế hoạch nguồn vốn công và hoàn toàn dựa vào vốn đầu tư nước ngoài và vốn tư nhân. Cần lưu ý kiểm soát được các nhóm lợi ích, tránh các những nhà đầu tư ảo, phô trương thanh thế để xin được nhiều dự án, nhưng sau đó không đủ tiềm lực để thực hiện thành công các dự án đã xin.
Để như vậy, đối với các nguồn điện ưu tiên, các nguồn phát điện có công suất lớn thì bản kế hoạch nên có kế hoạch thực hiện chi tiết về lộ trình, nguồn vốn, khả năng kết nối và giải tỏa công suất, đi đôi với các yêu cầu đối với chủ đầu tư.
Thứ 3, lộ trình đầu tư chưa được nghiên cứu rõ ràng, có quá nhiều dấu hỏi đặc biệt là cân đối nguồn vốn. Rất nhiều dự án nhà máy được đầu tư trong giai đoạn 2027 - 2030, tuy nhiên khả năng huy động vốn lại phần lớn phụ thuộc vào nguồn vốn xã hội hóa và đầu tư nước ngoài.
Các quỹ đầu tư nước ngoài theo các chương trình chuyển dịch năng lượng luôn đi đôi với chuyển giao công nghệ, liệu chăng nó sẽ là cái giá quá đắt và gánh nặng nợ vay nước ngoài trong tương lai. Nguồn vốn xã hội hóa trong nước sẽ luôn đi đôi với tỷ lệ tài trợ vốn thương mại tối thiểu 30/70, trong khi tính hiệu quả kinh tế của một số nguồn năng lượng mới so với giá mua điện từ EVN là chưa thực sự hấp dẫn so với lãi suất vay thương mại. Các ngân hàng thương mại không mặn mà tài trợ thì khả năng triển khai kế hoạch sẽ là dấu hỏi lớn.
Thứ 4, về tổng thể nguồn vốn thực hiện kế hoạch đến năm 2030
Vốn đầu tư công bao gồm: Nhu cầu vốn đầu tư cho các đề án/dự án ưu tiên về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện khoảng 50 tỷ đồng.
Nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo khoảng 29.779 tỷ đồng. Hiện nay, cân đối được khoảng 8.915,6 tỷ đồng (chiếm 30%), trong đó vốn ngân sách Trung ương cân đối được 7.351,9 tỷ đồng, vốn các địa phương và EVN khoảng 1.563,7 tỷ đồng.
Vốn chưa cân đối được khoảng 20.857 tỷ đồng (chiếm 70%).
Vậy số vốn này sẽ được huy động từ nguồn nào nếu bản kế hoạch không dự trù được ngay từ khi lập kế hoạch trong khâu dự trù và chuẩn bị vốn.
Vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công. Tổng vốn đầu tư ước tính 3.223,0 nghìn tỷ đồng (tương đương 134,7 tỷ USD), trong đó đầu tư phần nguồn điện khoảng 2.866,5 nghìn tỷ đồng (119,8 tỷ USD) và đầu tư phần lưới điện truyền tải khoảng 356,5 nghìn tỷ đồng (14,9 tỷ USD).
Vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025: 1.366,2 nghìn tỷ đồng (57,1 tỷ USD), trong đó nguồn điện 1.150,9 nghìn tỷ đồng (48,1 tỷ USD), lưới truyền tải 215,3 nghìn tỷ đồng (9,0 tỷ USD).
Vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030: 1.856,7 nghìn tỷ đồng (77,6 tỷ USD), trong đó nguồn điện 1.715,6 nghìn tỷ đồng (71,7 tỷ USD), lưới truyền tải 141,2 nghìn tỷ đồng (5,9 tỷ USD).
Bản kế hoạch chưa có phân tích về khả năng huy động nguồn vốn ngoài vốn đầu tư công này. Bản kế hoạch dường như chỉ tính đến chi phí đầu tư (dự trù) mà chưa tính đến khả năng huy động vốn đầu tư 134,7 tỷ USD tương đương 30% GDP năm 2023 của Việt nam.
Thứ 5, Quy hoạch điện 8 mang tính chất động và mở, tuy nhiên bản kế hoạch không đi vào phân tích được xu hướng phát triển năng lượng tái tạo của thế giới và khu vực; chưa dự báo được tính khả thi của các nguồn năng lượng thay thế và bổ sung; chưa đánh giá và đo lường khả năng rủi ro trong triển khai của các nguồn năng lượng mới và tác động của cơ cấu nguồn năng lượng mới đến giá điện bán lẻ trong tương lai.
Có lẽ, cũng phải có sự thay đổi trong các bản kế hoạch, báo cáo. Với thời đại ngày nay mà kế hoạch, báo cáo vẫn chỉ là những con số, con chữ trên giấy thì nó chậm thay đổi quá. Bao nhiêu năm nay, chúng ta quá chậm thay đổi những thủ tục cũ, quy cách cũ, phương thức cũ trong khi công nghệ thay đổi từng ngày.
Báo cáo phải có tính minh họa rõ ràng cho người đọc và theo dõi. Cần phải đưa vào các biểu đồ, sơ đồ, bản đồ. Thay vì một loạt các số liệu về các nguồn điện từ thủy điện, nhiệt điện than… thì thay nó biểu đồ hình bánh hoặc thay vì một loạt trạm biến áp ở các địa phương thì phải có cái bản đồ rồi đánh dấu vào đó.
Lời kết
Tại các Quốc gia đang phát triển, trên con đường tiến tới sự ổn định, thịnh vượng chủ quyền của mình không thể không có sự đánh đổi giữa môi trường và phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn. An ninh năng lượng là đầu vào thiết yếu cho toàn bộ nền sản xuất của mọi quốc gia.
Tại Việt Nam, ngoài nhân công và tài nguyên hiện hữu, hiện chúng ta đang phụ thuộc lớn vào chuyển giao công nghệ và tư bản tài chính cho chiến lược phát triển năng lượng. Sự lệ thuộc này đặt ra vấn đề hoạch định chiến lược đối với các quốc gia đang phát triển phải đặc biệt cân nhắc cho các thế hệ tương lai tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng kép “tài nguyên khai thác kiệt quệ, vấn nạn môi trường và các khoản nợ đến hạn khổng lồ”.
Việt Nam cần hướng tới xây dựng phát triển an ninh năng lượng bền vững phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đất nước theo từng giai đoạn (liệu cơm gắp mắm), phát huy được nội lực, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và từng bước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về chuyển dịch năng lượng cũng như các cam kết về lộ trình giảm phát thải.
Tô Văn Trường