TàiNhóm chuyên gia của Viện Tài nguyên và Môi trường biển (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) gồm 3 Tiến sĩ Trần Đức Thạnh, Trần Đình Lân, Nguyễn Hữu Cử đã dành khá nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về tiềm năng tài nguyên vị thế biển Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có vị thế biển đặc biệt quan trọng ở Đông Nam Á nhờ có một vùng lãnh thổ trải dài trên ba nghìn km ở rìa tây Biển Đông và một vùng lãnh hải rộng trên một triệu km2, gấp ba lần diện tích lãnh thổ. 

Biển Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, giữ vai trò quan trọng về môi trường, sinh thái trong Biển Đông, là vùng chuyển tiếp đặc biệt giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương về mặt địa lý sinh vật và hàng hải. 

anh bai 13.jpg
Tài nguyên vị thế biển mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội.

Tài nguyên vị thế biển mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế - xã hội như dịch vụ hàng hải, viễn thông, thương mại, du lịch, dầu khí, nghề cá biển, phát triển công nghiệp…;  Đảm bảo an ninh, quốc phòng và lợi ích, chủ quyền quốc gia trên biển; Bảo tồn tự nhiên.  

“Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và nhất là sự phát triển của nền kinh tế thị trường dựa trên nền tảng của lĩnh vực dịch vụ sau này đòi hỏi phải phát huy được tiềm năng to lớn của tài nguyên vị thế biển. Thế nhưng, việc sử dụng và phát huy tiềm năng tài nguyên vị thế biển Việt Nam đang có nhiều cơ hội và thách thức lớn”, nhóm chuyên gia nhận định.

Về cơ hội, đó là nhận thức về giá trị và tiềm năng tài nguyên vị thế ngày càng được nâng cao, thể chế và chính sách ngày càng hoàn thiện, tiềm lực kinh tế và khoa học công nghệ ngày càng lớn mạnh, hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng. 

Về thách thức, đó là áp lực phát triển kinh tế xã hội đến môi trường ngày càng lớn, đe doạ từ thiên tai và các sự cố môi trường ngày càng tăng, xuất phát điểm và nền tảng kinh tế còn thấp, mâu thuẫn lợi ích ngày càng sâu sắc và cạnh tranh phát triển ngày càng gay gắt, thể chế chính sách chưa hoàn thiện và ý thức xã hội của cộng đồng và năng lực của các cấp quản.  

Từ thực tiễn nghiên cứu, nhóm chuyên gia của Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã đề xuất cụ thể những việc cần làm để có thể phát huy tiềm năng tài nguyên vị thế biển Việt Nam.

Đáng chú ý, cần sớm xây dựng được chiến lược định hướng lâu dài và phương án trước mắt sử dụng hợp lý tài nguyên vị thế biển theo định hướng phát triển bền vững và tạo khả năng đột phá về kinh tế - xã hội với kinh tế dịch vụ là trọng tâm. 

Cùng với đó, cần đẩy mạnh điều tra, đánh giá để hiểu rõ bản chất, giá trị và tiềm năng của tài nguyên vị thế biển Việt Nam, bao gồm cả vùng biển, ven bờ và các đảo. Chú trọng đào tạo xây dựng một hệ thống các cơ quan chuyên trách điều tra nghiên cứu và ứng dụng công nghệ về biển đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo bình đẳng trong các hợp tác quốc tế song phương và đa phương trên trên Biển Đông. Phấn đấu xây dựng được một nền tảng cơ sở vật chất cho nghiên cứu và triển khai như đội tàu nghiên cứu, các trạm quan trắc môi trường và cảnh báo thiên tai, các phòng thí nghiệm trọng điểm và các cơ sở thực nghiệm. 

Với định hướng phát huy tiềm năng tài nguyên vị thế biển phục vụ phát triển bền vững, cần tăng cường bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai (sóng, bão, mực biển dâng cao, ngập lụt và xâm nhập mặn ven bờ, xói lở, sa bồi, động đất và cả khả năng sóng thần). Phát triển các khu bảo tồn biển như là một quốc sách sử dụng không gian biển cho phát triển bền vững. Các khu này, ngoài duy trì các giá trị về tự nhiên, đa dạng sinh học và khoa học, còn mang lại những lợi ích kinh tế to lớn nhờ hỗ trợ cho du lịch sinh thái và nghề cá.  

Ngoài ra, cần tăng cường hội nhập quốc tế để tạo ra cơ hội hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm của thế giới trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên vị thế biển; Tham gia các tổ chức, các hoạt động mạng lưới quốc tế về vị thế - không gian biển.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV