Dấu mốc quan trọng đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo của Ninh Thuận là nhờ thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Từ đó tỉnh cũng đã kết hợp nhiều nguồn vốn để hỗ trợ hộ nghèo, tạo sinh kế để người nghèo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, nhất là các chủ trương về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các chính sách khác đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Hiện nay, Ninh Thuận đang triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Sau hơn ba năm thực hiện, đã đạt được 106,38% kế hoạch.

{keywords}
Từ nguồn vốn ưu đãi, nông dân xã An Hải (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) lắp đặt mô hình tưới nước tiết kiệm để phát triển sản xuất ngay trong điều kiện khí hậu khô hạn.

Công tác giảm nghèo theo hướng tập trung phát triển các mô hình có tính mới và khả năng nhân rộng cao như: Mô hình trồng cây măng tây xanh, trồng giống nho mới NH 01-152, các loại cây ăn quả đặc sản, đậu đỗ có khả năng thích ứng tốt với khí hậu khô hạn; các mô hình nuôi bò, dê, cừu vỗ béo để tăng năng suất, nâng cao chất lượng gia súc thương phẩm; các mô hình nuôi cá biển, các loài nhuyễn thể cho hiệu quả kinh tế cao.

Toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 6.682 ha cây trồng cạn, trong đó, chuyển đổi luân canh cây ngắn ngày hơn 5.161 ha; chuyển đổi cây ăn quả, cỏ chăn nuôi hơn 1.520 ha. Các mô hình chuyển đổi cây trồng đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, đào tạo nghề, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với nội dung và hình thức phù hợp với nhu cầu và khả năng của các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở từng địa phương.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn ưu tiên thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo. Năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh dành hơn 102,7 tỉ đồng thực hiện Chương trình 30a, Chương trình 135, hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo về thông tin, nâng cao năng lực quản lý, giám sát cho các địa phương thực hiện công tác giảm nghèo.

Để giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, toàn tỉnh đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 9.326 người, (đạt 109,72% kế hoạch năm). Doanh số cho hộ nghèo vay trong năm đạt trên 66,3 tỉ đồng, doanh số thu nợ trên 80,4 tỉ đồng. Hầu hết các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ. Số hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu đều được giải quyết cho vay.

Thu Hà
Ảnh: Hồng Liên