Cả Hoàng Anh Gia Lai và Quốc Cường Gia Lai đều phải tự cứu mình bằng việc bán tài sản để trả nợ. Cách này phần nào giải tỏa được áp lực trong ngắn hạn nhưng vẫn chưa hết nỗi lo.

Có thời điểm nhắc tới phố núi Gia Lai, nhiều người nghĩ tới bầu Đức và gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan cùng với 2 doanh nghiệp CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG).

HAGL là một tập đoàn lớn đầu tư đa ngành nghề không chỉ tại Việt Nam mà mở rộng ra thị trường một số nước khu vực Đông Nam Á. Quốc Cường Gia Lai cũng được coi là “trùm” bất động sản với hàng loạt dự án có vị trí đắc địa tại TP.HCM, Đà Nẵng...

Tuy nhiên, cả 2 doanh nghiệp này đều rơi vào vòng xoáy suy giảm hoạt động, đặc biệt là các khoản nợ.

{keywords}

Khi đại gia thành "con nợ"

Năm 2016, cả HAGL và Quốc Cường Gia Lai cùng vướng vào vòng xoáy của nợ nần. Hàng nghìn tỷ đồng nợ đến hạn bủa vây 2 đại gia phố núi. Thậm chí, chính lãnh đạo 2 doanh nghiệp này đã phải thừa nhận họ gặp rất nhiều khó khăn với các khoản nợ lớn.

Giữa năm 2016, bầu Đức phải đau đầu trước hàng chục nghìn tỷ đồng nợ vay đến hạn trả, trong khi hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nhiều bởi giá cao su sụt giảm.

Những khoản nợ lớn khiến chi phí lãi vay của HAGL lên cao, bình quân mỗi quý trong năm 2016, HAGL phải trả tới 400 tỷ đồng tiền lãi vay.

Thời điểm đó, HAGL đang có khoản nợ vay lên tới 33.000 tỷ đồng, với hơn 17.700 tỷ nợ ngắn hạn. Khoản nợ ngắn hạn của đại gia phố núi này đã bỏ xa tài sản ngắn hạn (yếu tố quyết định tới chỉ số thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp).

Riêng các khoản vay tài chính ngắn hạn của HAGL đã lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.

{keywords}

Không khá hơn HAGL, Quốc Cường Gia Lai giai đoạn này cũng bị vướng vào vòng xoáy nợ nần.

Theo đó, cuối năm 2016, Quốc Cường Gia Lai có khoản nợ phải trả lên tới hơn 4.200 tỷ đồng. Trong đó, gần 1.900 tỷ là nợ vay tài chính, và hơn 1.788 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn.

Nếu so với khoản nợ ngắn hạn của HAGL, khoản nợ của Quốc Cường Gia Lai không quá lớn. Tuy nhiên, nếu so với kết quả kinh doanh của đại gia phố núi này thì Quốc Cường Gia Lai đang gặp khó khăn thật sự với khoản nợ này.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai giảm đáy, có thời điểm chỉ ngang cốc trà đá 3.000 đồng/cổ phiếu.

Hàng tồn kho là các dự án bất động sản triển khai dở dang của công ty lên tới hơn 6.800 tỷ đồng, chiếm 77% tổng tài sản. Năm 2016, Quốc Cường Gia Lai cũng đã phải chi tới gần 70 tỷ đồng chỉ để trả tiền lãi ngân hàng.

Hai đại gia đều vay BIDV nhiều nhất 

BIDV khi đó là chủ nợ lớn của HAGL với khoản vay ngắn hạn lên tới 1.918 tỷ đồng, và 2.837 tỷ đồng vay dài hạn cùng gần 6.000 tỷ đồng vay trái phiếu do BIDV và công ty liên quan.

Kết quả kinh doanh không đủ bù đắp chi phí, năm 2016, lần đầu tiên HAGL báo lỗ ròng hơn 1.500 tỷ đồng. Thậm chí, đến quý II/2017, HAGL còn tiếp tục ghi nhận khoản hồi tố lỗ hơn 750 tỷ đồng từ HAGL Agrico gộp vào kết quả bết bát trong năm 2016.

{keywords}

Một điểm trùng hợp trong các khoản nợ của HAGL và Quốc Cường Gia Lai chính là BIDV là chủ nợ lớn nhất. Chỉ riêng BIDV đã có khoản dư nợ gần 1.300 tỷ đồng tại Quốc Cường Gia Lai, gồm cả gốc và lãi.

Mãi sau này, khi được hỏi về giai đoạn khó khăn nhất của Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó tổng giám đốc công ty cho biết chính là thời điểm vướng vào khoản nợ nghìn tỷ với BIDV.

Bán tài sản, dự án… để trả nợ

Đứng trước áp lực trả nợ lớn, cả hai đại gia phố núi đều lựa chọn cách bán bớt tài sản, dự án… để trả nợ cho doanh nghiệp.

Theo đó, HAGL của bầu Đức đã phải chia tay mảng kinh doanh quan trọng của tập đoàn là mía đường để có nguồn tiền cơ cấu kinh doanh. Với việc bán lại toàn bộ nhà máy tại Lào và mảng mía đường của mình cho Tập đoàn Thành Thành Công với giá 1.330 tỷ đồng, HAGL đã không còn ghi nhận doanh thu từ mảng kinh doanh này.

Không dừng lại ở đó, hàng loạt tài sản của doanh nghiệp, cá nhân được bầu Đức và HAGL sang tên nhằm cứu nợ cho doanh nghiệp như bán một phần vốn dự án bất động sản HAGL tại Myanmar, bán một phần nhà máy thủy điện Nậm Kong 2 tại Lào, chuyển nhượng 23 triệu cổ phiếu HAG…

Tuy nhiên, bầu Đức vẫn phải nhờ tới chính các chủ nợ của mình mới giải tỏa được áp lực nợ ngắn hạn cho doanh nghiệp. Theo đó, cuối 2016, đầu 2017, các chủ nợ của HAGL đã đồng ý tái cơ cấu nợ vay cho doanh nghiệp này. Từ hơn 12.000 tỷ đồng nợ vay đến hạn, HAGL đã giải tỏa được áp lực xuống chỉ còn 2.800 tỷ đồng.

Song song với việc cơ cấu nợ, bầu Đức đã chuyển hướng kinh doanh chủ đạo của HAGL từ chăn nuôi sang trồng trọt.

{keywords}

Nếu như đàn bò thịt là “cứu tinh” của HAGL trong năm 2016 khi đóng góp hơn 55% tổng doanh thu thì hiện tại, trái cây mới là mảng kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho tập đoàn.

Doanh thu từ bò đã giảm chỉ còn chưa tới 25%, trong khi dịch vụ cho thuê cũng đóng góp gần 20% tổng doanh thu nhờ dự án bất động sản HAGL Myanmar đã đưa vào khai thác.

Không được chủ nợ tái cơ cấu, Quốc Cường Gia Lai buộc phải chuyển nhượng dự án tâm huyết của mình là dự án Phước Kiển để có dòng tiền trả nợ.

Theo đó, tuy chưa đặt bút ký chuyển nhượng chính thức dự án này cho đối tác, nhưng Quốc Cường Gia Lai đã nhận 50 triệu USD tiền cọc. Lãnh đạo công ty cũng cho biết, công ty mới chỉ nhận tiền tạm ứng, còn việc bán hay hợp tác đầu tư thì chưa thể nói trước.

Ngay khi có khoản tiền cọc từ đối tác, Quốc Cường Gia Lai đã tất toán khoản nợ hơn 1.300 tỷ đồng cả gốc và lãi vay với BIDV cùng nhiều chủ nợ, qua đó giải tỏa gần như toàn bộ áp lực nợ vay.

{keywords}

Chính điều này đã giúp cổ phiếu QCG tạo sóng trên sàn chứng khoán vào giữa năm 2017. Có thời điểm, cổ phiếu QCG gần cán mốc 30.000 đồng/cổ phiếu, gấp 10 lần so với đầu năm.

Kết quả kinh doanh năm 2016 của Quốc Cường Gia Lai cũng cải thiện đáng kể khi thu về hơn 1.588 tỷ đồng doanh thu, gấp 4 lần năm 2015. Tuy nhiên, giá vốn và các chi phí liên quan tăng cao nên lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ đạt hơn 44 tỷ đồng, gấp đôi năm trước.

Còn đó những nỗi lo
Giải tỏa được áp lực trả nợ, tập trung phát triển kinh doanh, nhưng để có được kết quả đó, cả hai đại gia phố núi này đã phải đánh đổi nhiều thứ không chỉ những tài sản và dự án của mình.

Với HAGL, khoản nợ của đại gia này không hề mất đi mà chỉ chuyển từ ngắn hạn sang dài. Theo đó, hiện tại, HAGL đang có khoản nợ vay dài hạn hơn 20.000 tỷ đồng và sẽ đến hạn trong 3-5 năm nữa.

Việc cơ cấu lại thời gian các khoản nợ cũng không giúp HAGL giảm áp lực trả lãi. Trong 9 tháng đầu năm, tập đoàn cũng đã phải chi tới 1.065 tỷ đồng chỉ để trả tiền lãi vay.

{keywords}


Việc chuyển dịch sang kinh doanh sang trồng trái cây, chính lãnh đạo HAGL cũng thừa nhận sẽ gặp rất nhiều rủi ro, từ thị trường như chiến tranh thương mại, hàng rào kỹ thuật, cho tới biến động giá như tính mùa vụ, biến đổi khí hậu, sâu bệnh.

Trong khi đó, diễn biến cổ phiếu QCG gần đây đã cho thấy cái giá doanh nghiệp này phải đánh đổi khi phải chuyển nhượng các dự án của mình để trả nợ chính là sự hấp dẫn của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư.

Theo đó, công bố kết quả kinh doanh tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm đạt 490 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của Quốc Cường Gia Lai lại không đến từ hoạt động kinh doanh chính.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III cho biết đại gia phố núi này chỉ thu về vỏn vẹn 118 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý III, giảm tới 80%. Giá vốn giảm mạnh hơn đà giảm doanh thu, giúp công ty báo lãi gộp 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 21 tỷ đồng.

Trong khi đó, Quốc Cường Gia Lai lại ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến đạt 201 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thanh lý các khoản đầu tư. Cụ thể là giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Hiệp Phú (đơn vị triển khai dự án Saigon Gateway cùng với Địa ốc Đất Xanh) xuống còn 5%.

Với việc chuyển nhượng dần các dự án để có dòng tiền, giới đầu tư lo ngại về triển vọng Quốc Cường Gia Lai trong tương lai.

(Theo Zing)