Như vậy, công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam vẫn tiếp tục phát huy động lực dù suy giảm kinh tế, doanh nghiệp đóng cửa, thất nghiệp tăng lên sau mấy năm dịch bệnh Covid-19.
Theo báo cáo từ các địa phương, tính đến ngày 19/9/2023, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP là 3,2 nghìn tỷ đồng. Trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 3,1 nghìn tỷ đồng. Trị giá tiền và quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 6,4 nghìn tỷ đồng (riêng dịp 27/7 là gần 1,7 nghìn tỷ đồng).
Những hỗ trợ đột biến, bất thường (thiên tai, bão lũ…) phát sinh tại địa phương hơn 132,9 tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 27,9 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
Chính phủ cũng thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chủ động huy động nguồn lực địa phương để hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng hỗ trợ 18.258,735 tấn gạo thời điểm dịp Tết Nguyên đán 2023 cứu đói cho 204.663 hộ với 1.217.249 cho 18 tỉnh, thành phố. Các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ trên 1.500 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.336.267 đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng.
Có thể nói sau hơn 30 năm Đổi Mới, việc thống nhất quan niệm đói nghèo của Việt Nam được thay đổi và ngày một gần với quan niệm đói nghèo của thế giới. Nếu như nhu cầu hỗ trợ của người nghèo vào những năm 90 của thế kỷ XX chỉ giới hạn đến nhu cầu “ăn no, mặc ấm” thì ngày nay, người nghèo còn có nhu cầu được hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế, văn hóa.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế, tiền thuê nhà, các gói hỗ trợ lãi suất… nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu tối thiểu của người dân là cơm, áo, gạo, tiền, vốn hàng ngày đè nặng hai vai do suy giảm kinh tế.
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và chân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đó là, cử tri và nhân dân lo lắng các đơn hàng bị cắt giảm cho nên lao động, việc làm và thu nhập của một bộ phận lao động rất khó khăn tiếp tục sụt giảm, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường… khiến cho đời sống của nhiều người dân chưa được ổn định sau đại dịch Covid-19.
Một khảo sát khác (PAPI) của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc mới công bố cho biết thêm, đói nghèo vẫn là mối lo lắng nhất của người dân trong năm 2022 và tỉ lệ người trả lời cho rằng điều kiện kinh tế của họ tồi tệ hơn đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012, ngoại trừ năm 2021 khi mối lo lắng lớn nhất là dịch bệnh.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được trích dẫn trong các báo cáo ở Quốc hội, chỉ từ tháng 9/2022 đến tháng 01/2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm, trong đó lao động tại doanh nghiệp FDI chiếm 75%.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, nguy cơ mất việc làm của số lao động trẻ cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định thêm, tình trạng nghỉ việc luân phiên xảy ra ở những ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch tăng lên.
Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, người lao động lạm dụng bảo hiểm thất nghiệp, vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn. Mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân.
Việt Nam đã giảm tỷ lệ đói nghèo từ 58% đầu những năm 1990 xuống còn 3%, tỷ lệ đói nghèo cùng cực còn rất ít. Tuy nhiên, công tác xóa đói giảm nghèo cần tiếp tục được thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.