Văn hoá trong kiến trúc
Khẳng định kiến trúc là bộ phận hữu cơ, thực thể được cấu thành của văn hóa, KTS. Hoàng Thúc Hào, PGS.TS. KTS. Nguyễn Quang Minh lý giải: mỗi một dân tộc dù sinh sống trong cùng một quốc gia vẫn có nền văn hóa riêng biệt, được đặt nền móng từ những ngày đầu tiên cư trú trên một vùng lãnh thổ nhất định, chịu tác động sâu sắc của điều kiện tự nhiên, được bồi tụ và hun đúc suốt chiều dài lịch sử phát triển hàng trăm, hàng ngàn năm, thường xuyên có sự tương tác – gạn lọc – tiếp thu – phát huy trong quá trình phát triển song hành cùng kinh tế – xã hội.
Kiến trúc là một bộ phận hữu cơ, là một thực thể cấu thành nên một nền văn hóa.
Kiến trúc mỗi vùng miền có đặc trưng, giữa các vùng miền có sự đa dạng, chỉ có thể thấy nét tương đồng chứ không thể tìm ra hai nền văn hóa giống hệt nhau, dù là hai khu vực nằm sát gần nhau.
Kiến trúc và văn hóa của mỗi dân tộc có cấu trúc đặc thù, giống như cấu trúc của bộ gen sinh học, tìm hiểu, nghiên cứu, làm sáng tỏ đặc trưng văn hóa, kiến trúc các vùng miền chính là việc giải mã bộ gen trong văn hóa và kiến trúc của vùng miền đó.
Điều này thực sự quan trọng và có ý nghĩa lớn, giúp kiến trúc Việt Nam phát triển đúng hướng, hướng tới tương lai bền vững, hòa nhập với dòng chảy của thế giới nhưng vẫn giữ được những gì là tinh túy, hồn cốt.
Những công trình kiến trúc không chỉ là yếu tố làm nên nét đặc trưng của mỗi vùng miền mà còn là biểu tượng thiêng liêng và quý giá, trở thành niềm tự hào của dân tộc đã sáng tạo ra công trình ấy. Thực tế kiến trúc là một ngành nghệ thuật kết hợp khoa học về tổ chức sắp xếp không gian phục vụ nhu cầu sử dụng đa dạng trong xã hội. Mỗi dân tộc, cộng đồng, tổ chức, cá nhân có một lối sống riêng, thói quen sinh hoạt đặc trưng, chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện tự nhiên và bối cảnh xã hội riêng biệt, có thể ổn định hoặc biến đổi dần theo thời gian.
Kiến trúc nhà ở biểu hiện rõ nét nhất văn hóa ở của các dân tộc. Họ tổ chức những không gian sinh hoạt dựa trên địa hình, tận dụng các yếu tố có lợi và khắc chế những tác động bất lợi của thiên nhiên, thể hiện những quan điểm về hình thức, thẩm mỹ phù hợp với nhận thức ở mỗi thời đại của từng địa phương.
Kiến trúc cộng đồng (kiến trúc công cộng) là biểu hiện cho văn hóa cộng đồng. Nhà cộng đồng có thể lớn hoặc nhỏ, tùy thuộc vào số lượng thành viên của thôn xóm, buôn làng, tọa lạc ở đầu làng hoặc chính giữa làng, gần hoặc xa bến sông, cấu trúc, kết cấu và chi tiết trang trí có thể giống hoặc khác nhau.
Đình làng – nhà cộng đồng của người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ khác xa nhà Rông – nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cả về cấu trúc, hình thức và cách thức xây dựng: Trong khi mái đình to và trải theo chiều rộng với bốn mái và đầu đao vút cong, lợp ngói ta xếp lớp, có nhiều chi tiết trang trí cầu kỳ thì mái nhà Rông lại thuôn gọn và vút lên cao, lợp lá rừng bện tết thành mảng lớn, ít chi tiết trang trí, nếu có là những họa tiết rất đơn giản và mộc mạc.
Nhìn lại sự phát triển của kiến trúc trong hơn 20 năm qua:
Văn hóa ở của một bộ phận người Việt vẫn lưu giữ được những giá trị tốt đẹp cơ bản của dân tộc, thể hiện qua cách bài trí không gian ở mang đậm dấu ấn truyền thống và những phong tục tập quán sinh hoạt được gìn giữ qua bao đời, chưa phai nhạt trong lòng xã hội hiện đại, góp phần bảo tồn văn hóa và kiến trúc bản địa.
Bên cạnh đó, một bộ phận người Việt khác theo đuổi lối sống hiện đại văn minh và biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa cũng như phong cách kiến trúc mang tính thời đại của thế giới như kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc hiệu quả năng lượng, kiến trúc thông minh,… làm phong phú bức tranh văn hóa và kiến trúc nước nhà. Điểm này cho thấy, sự cân bằng giữa văn hóa ở truyền thống và văn hóa ở hiện đại, là hai phạm trù cộng sinh chứ không loại trừ nhau.
Song cũng thấy cả những vấn đề tiêu cực biểu hiện trong kiến trúc nông thôn, bảo tồn di sản đô thị, phát triển nhà ở đô thị, cảnh quan đô thị… Có thể dễ dàng nhận thấy yếu tố bản sắc – vốn được tích lũy bao năm, đã từng có vị trí và thành tựu đáng kể – chưa được phát huy trong xã hội hiện đại, thậm chí nảy sinh đứt gãy, biến dạng giữa truyền thống và hiện đại.
Một số đô thị nổi tiếng về cảnh quan thơ mộng và kiến trúc đẹp như Đà Lạt ở phía Nam và Sapa ở phía Bắc giờ đã bị bê tông hóa trên 80%. Mặt biển Quảng Ninh bị san lấp, quy hoạch phân lô, vây hãm các đảo đá vôi. Bờ biển ở Đà Nẵng và Nha Trang bị resort hóa, khách sạn hóa san sát, ngăn người dân từ phố bước ra dạo bước ven biển. Đó là sự phá hủy nhân danh phát triển, là thất bại rõ ràng của giới chuyên môn có tâm nhưng bất lực trước dã tâm của các chủ đầu tư đầy tiềm lực tài chính nhưng thiếu kiến thức, chỉ thấy lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà sẵn sàng bỏ qua lợi ích lâu dài của toàn thể cộng đồng. Khắc phục sửa chữa các sai lầm này mất rất nhiều thời gian, công sức và thậm chí là không thể khôi phục những giá trị từng có.
Phát triển kiến trúc và phát huy văn hóa kết hợp bản sắc và hiện đại cần dựa trên cơ sở cân bằng và hài hòa lợi ích của các bên liên quan, nhất là bên liên quan trực tiếp mà cụ thể là cộng đồng dân cư. Thực tế cho thấy, nơi nào có sự kết hợp hài hòa lợi ích, nơi đó sẽ thành công và trở nên thịnh vượng.