“Khi phía Nhật đưa cho tôi bản X-quang chụp một khối tôm đông lạnh hiện lên hình những cây đinh trong mỗi con tôm, tôi nhục lắm”.

Những trăn trở của TS Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN)-Nhật Bản, về chất lượng hàng hóa VN xuất khẩu sang Nhật tại hội thảo về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi của VN để thực hiện hiệp định đối tác kinh tế VN-Nhật, do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN vừa tổ chức tại Hà Nội (vào ngày 21-7) đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Nỗi nhục tôm đông lạnh

Ông Dũng kể năm 1971, ông được cử qua Nhật học ngành kinh tế. Năm 1981, ông trở về VN làm trợ lý giám đốc Công ty Ficonimex. Được ông Mai Chí Thọ, khi đó là chủ tịch UBND TP.HCM, khuyến khích, ông trở lại Nhật để làm nhiệm vụ “thấy gì xuất khẩu được thì xuất khẩu, trong nước cần mua gì thì mua về”.

Ngoài các sản phẩm mây tre đan, thủy hải sản thời đó là các sản phẩm xuất khẩu đáp ứng được tiêu chuẩn của Nhật. “Hơn 30 năm rồi, hiện nay tôm đông lạnh của VN đang giữ vị trí thứ ba, thứ tư tại thị trường Nhật” - ông Dũng thông tin. Từ chỗ không biết gì về tôm đông lạnh, nhờ việc xuất khẩu này, VN mua được trang thiết bị về thành lập các nhà máy đông lạnh và các DN tập đoàn thủy sản của Nhật sang VN tìm hiểu, mua hàng ngày càng nhiều.

Tuy vậy, không phải lúc nào việc xuất khẩu tôm đông lạnh cũng suôn sẻ. Có những thời điểm các lô hàng tôm đông lạnh của VN bị phía Nhật kiểm tra 100%. Ông Dũng kể một số DN xuất khẩu của VN gian lận nhét đinh vào tôm hoặc dư lượng thuốc trừ sâu trong tôm còn nhiều, khi phát hiện ra những gian lận này, phía Nhật hủy luôn cả lô hàng. Chi phí tiêu hủy thời đó tương đương khoảng 60.000 USD hiện nay. “Nhục lắm. Khi phía Nhật đưa cho tôi bản X-quang chụp một khối tôm đông lạnh hiện lên hình những cây đinh trong mỗi con tôm, tôi chỉ muốn độn thổ! Tôi không thể tưởng tượng được!” - ông Dũng thuật lại.

{keywords}

Hiện nay tôm đông lạnh của VN đang giữ vị trí tương đối cao tại thị trường Nhật Bản.

Cầm bản X-quang, ông tưởng như trời đất sụp đổ, danh dự và uy tín bị xúc phạm nặng nề. Ông không giải thích được gì vì theo ông có giải thích cũng chỉ là ngụy biện.

Khi xảy ra vụ việc này, ông Dũng là giám đốc Công ty Indochina tại Nhật. Đây là một công ty liên doanh giữa VN và Nhật, chịu trách nhiệm đưa các công ty Nhật qua VN để khảo sát thị trường. “Có thể lúc đó công ty của VN không tìm được đủ nguồn hàng để kịp xuất sang Nhật nên đã thu mua cả tôm trôi nổi trên thị trường mà không kiểm soát được” - ông Dũng lý giải.

Suốt một thời gian sau đó, các lô hàng tôm đông lạnh của VN xuất sang Nhật đều bị kiểm tra 100% và chi phí kiểm tra rất cao, phía VN phải chịu. Các công ty của VN sau đó dần dần khắc phục được các sai sót, phía Nhật cử người sang tận các công ty xuất khẩu thủy sản để trực tiếp giám sát.

Than đá: Chấp nhận giảm giá

“Khoảng những năm 1986-1987, anh Nguyễn Quốc Khánh, tân Tổng Giám đốc PVN, là nhân viên mới, phụ trách bán dầu thô và đánh giá hợp đồng cùng với tôi đi bán dầu thô cho Nhật” - ông Dũng nhớ lại.

Thông qua một người bạn học phụ trách dầu thô của Tập đoàn Idemitsu (Nhật Bản) khi đó, ông Dũng đưa bản phân tích và một số mẫu dầu thô mời phía Nhật mua dầu thô của VN. “Lúc đó lượng dầu thô khai thác lên còn tồn nhiều. Chi phí bảo quản tàu chứa dầu thô lên tới hàng chục ngàn USD/ngày. Tôi được lệnh phải bán với bất cứ giá nào” - ông Dũng cho biết.

Cuối cùng, người bạn của ông Dũng được Tập đoàn Idemitsu cho phép sang VN xem xét mỏ dầu, chất lượng, cách sản xuất, trữ lượng để bàn chuyện làm ăn lâu dài. Dầu thô của VN được đánh giá là rất tốt, ít lưu huỳnh, các nhà máy phát điện của Nhật có thể dùng phương pháp đốt trực tiếp vừa tiết kiệm được chi phí lọc lưu huỳnh, vừa bảo vệ được môi trường.

Vào những năm 1986-1987 đó, ông Dũng tiếp tục được giao bán than đá. Ban đầu, giá than đá của VN rất rẻ (dù là loại than tốt, không khói, nhiệt lượng cao) do bởi VN không biết được quy cách các loại than đá Nhật cần. Trong một lô hàng than đá, các công ty VN chỉ làm được 70% đúng quy cách. Chuyến xuất khẩu than nào của VN cũng có vấn đề và ông Dũng lại phải đi… năn nỉ phía Nhật, chấp nhận giảm giá, chịu thiệt hại. “Mỗi chuyến thiệt hại chỉ chừng 5%-15% giá trị hợp đồng, song điều đó cũng đồng nghĩa với việc một khoản ngoại tệ lớn lẽ ra chảy về cho đất nước lại phải dùng để khắc phục những sai sót không đáng có. Rất đau đớn” - ông Dũng nhớ lại.

Mất gần 10 năm, đến khoảng năm 1995, chuyện xuất khẩu than đá của VN sang Nhật mới trở nên có quy củ, suôn sẻ.

Đau đáu với nông nghiệp

“Ông có bán nông sản sang Nhật không?” - tôi hỏi. Ông Dũng bảo ông cố gắng bán quế, hồi, trầm hương, gạo, ngũ cốc, kể cả dứa nhưng không thành công.

Ông Dũng kể ông từng đi đến các nông trường của VN nhưng không tìm được sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông lại đưa một số công ty của Nhật sang khảo sát chỉ với mục đích gieo ý thức về quy chuẩn nông sản của thế giới cho ngành nông nghiệp VN mà thôi.

Về gạo, ông Dũng bảo người Nhật không ăn gạo của VN. Sau này Nhật có mua gạo của VN để viện trợ cho một số nước ở châu Phi với tiêu chuẩn cũng không cao lắm. Hiện nay người Nhật sang An Giang trồng lúa của Nhật, bán gạo Nhật cho người Nhật ở các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, người Nhật còn sang VN lập trang trại trồng rau, trồng hoa, trồng dâu… Theo ông Dũng, nhờ vậy nông dân VN học được quy trình làm nông nghiệp hiện đại, lĩnh hội được tri thức nông nghiệp toàn cầu, biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật ở trình độ cực cao của Nhật trong nông nghiệp.

Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá tri thức nông nghiệp cho nông dân. Từ việc lựa chọn giống cây, cách sử dụng phân bón đến cách chăm sóc, thu hoạch nông sản. Tất cả tri thức này cần phải bền bỉ truyền bá để tạo nền tảng phát triển bền vững cho nông dân.

Ngoài ra các DN xuất khẩu của VN cần phải tìm hiểu thật rõ về thị trường Nhật và xây dựng một nền văn hóa DN hiện đại. Chỉ có như thế, việc xuất khẩu nông sản nói riêng, xuất khẩu của VN vào thị trường Nhật nói chung mới có thể mang lại những lợi ích thực sự lâu dài cho đất nước, cho nông dân.

TS ĐỖ VĂN DŨNG, Chủ tịch CLB DN VN-Nhật Bản

(Theo PL TP. HCM)