Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) ước tính rằng 420 triệu hecta rừng – khoảng 10 % diện tích rừng còn lại của thế giới, tương đương với diện tích lớn hơn Liên minh Châu Âu – đã biến mất trên toàn thế giới từ năm 1990 đến năm 2020. Phá rừng và rừng suy thoái đóng góp khủng hoảng khí hậu toàn cầu trong nhiều cách. Quan trọng nhất, chúng làm tăng phát thải khí nhà kính thông qua các vụ cháy rừng liên quan, loại bỏ vĩnh viễn khả năng hấp thụ carbon, giảm khả năng phục hồi biến đổi khí hậu của khu vực bị ảnh hưởng và làm giảm đáng kể sự đa dạng sinh học và khả năng phục hồi do bệnh tật và sâu bọ. Phá rừng chịu trách nhiệm cho 11% phát thải khí nhà kính như đã nêu trong Ủy ban liên chính phủ về biến đội khí hậu (IPCC) trong báo cáo đặc biệt về biến đổi khí hậu và đất đai 2019 .

Với vai trò to lớn của rừng, Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu có những quy định rất chặt chẽ về việc quản lý việc nhập khẩu và xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng.

Mới đây tại tỉnh Đắk Nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận “địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng” tại Lâm Đồng và Đăk Nông, Việt Nam” (gọi tắt là dự án iLandscape) tổ chức hội thảo “Thách thức và cơ hội cho ngành nông nghiệp ở Đắk Nông trong bối cảnh thực thi Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR)”.

Hội thảo cùng thảo luận các giải pháp giúp cho sản xuất cà phê của Đắk Nông phù hợp với các yêu cầu nghiêm ngặt của Quy định chống phá rừng của châu Âu.

Tập trung vào ngành cà phê – ngành hàng quan trọng của tỉnh Đắk Nông, hội thảo này đóng vai trò là diễn đàn để chia sẻ những tác động trên diện rộng của EUDR đối với ngành nông nghiệp của tỉnh, đồng thời thảo luận các giải pháp giúp cho sản xuất cà phê của Đắk Nông phù hợp với các yêu cầu nghiêm ngặt của Quy định chống phá rừng của châu Âu.

Tại Hội thảo, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã có bài tham luận Bối cảnh vùng trồng cà phê tỉnh Đắk Nông - Tác động của dự luật EUDR. Tây Nguyên được mệnh danh là thủ phủ của cả nước về sản xuất cà phê và hồ tiêu; trong đó, Đắk Nông chiếm gần 19% sản lượng cà phê và khoảng 27% sản lượng hồ tiêu của vùng.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông Dự luật EUDR sẽ có tác động trực tiếp đến các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm có cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. 

Đối với ngành hàng cà phê, ngoại trừ yêu cầu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thì EUDR có 4 nhóm yêu cầu chính đối với địa phương và người sản xuất: Thứ nhất, phải có dữ liệu về tọa độ (GPS) và ranh giới (polygon) cho từng lô/vườn cà phê; Thứ hai, thiết lập hệ thống thông tin dữ liệu của lô/vườn cà phê để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sản phẩm kết hợp với hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng; Thứ ba, thiết lập hệ thống giám sát báo cáo và phản hồi thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và việc bảo vệ rừng có liên quan đến việc sản xuất cà phê và khai thác gỗ; Thứ tư, có cơ chế báo cáo, thông tin và phản hồi khi có yêu cầu từ nước nhập khẩu.

Để đáp ứng yêu cầu tại EUDR, đồng thời phát triển ngành hàng cà phê của tỉnh Đắk Nông bền vững, hiệu quả, tỉnh đã đề xuất đẩy mạnh truyền thông, phổ biến về EUDR đến tất cả các bên có liên quan như các đơn vị chủ rừng, người dân sống gần rừng, ven rừng; nông hộ, các tổ chức, cá nhân, chế biến, kinh doanh ngành hàng cà phê; Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; kịp thời kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý các vụ phá rừng trái pháp luật. Bên cạnh đó là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao.

Tại hội thảo, các chuyên gia cùng bàn luận xoay quanh sáu chủ đề chính: Quy định của EUDR, Tác động tiềm năng của dự luật EUDR đối với ngành nông nghiệp của Đắk Nông, giải pháp thực hiện, cơ chế hợp tác, chiến lược truyền thông và vai trò và sự tham gia của các bên liên quan khi tham gia thực hiện EUDR.

Được biết, Dự án iLandscape đang hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng trong việc áp dụng cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng. Dự án ilandscape được tài trợ bởi Phái đoàn Liên minh Châu Âu và được thực hiện bởi UNDP. Dự án nhằm tăng cường tính bền vững về môi trường, an sinh xã hội, khả năng chống chịu và thích ứng của hệ thống sản xuất nông nghiệp và các chuỗi cung ứng của vùng Tây Nguyên, Việt Nam.

Trần Huệ và nhóm PV, BTV