Tỉnh Điện Biên đang chứng kiến sự bùng nổ của nông sản và sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử với gần 500 sản phẩm, trong đó có 42 sản phẩm OCOP (viết tắt theo tiếng Anh là One commune one product, hiểu theo nghĩa tiếng Việt là mỗi xã (phường) một sản phẩm). Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đã bùng nổ kể từ trong và sau đại dịch COVID-19 và hình thức này ngày càng thu hút các cá nhân và doanh nghiệp tham gia như một cách đổi mới giao thức mua bán nhưng dễ tăng được hiệu quả về doanh thu.
Ước tính tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến tại Điện Biên đã vượt ngưỡng 30%, trong khi 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng 50% hộ sản xuất nông nghiệp đã có tài khoản thương mại điện tử. Nhờ đó, việc tiếp cận thông tin thị trường, giảm thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị trở nên hiệu quả hơn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Xu hướng bán hàng qua mạng đang trở nên phổ biến trong cả cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã nông thôn, miền núi Điện Biên. Việc này không chỉ mang lại tiện lợi mà còn mở ra cơ hội chuyển đổi từ bán lẻ truyền thống sang thương mại điện tử, giúp các đơn vị trong tỉnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trong nỗ lực hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử, các ngành chức năng của Điện Biên đã phối hợp đẩy mạnh quá trình này. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã áp dụng chuyển đổi số, đổi mới hoạt động bán hàng và quản lý. Hội Nông dân tỉnh cùng Bưu điện tỉnh Điện Biên đã thu thập thông tin hơn 2.000 hội viên nông dân, mở 1.200 tài khoản giao dịch Post Mart, và quảng bá 15 sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử này.
Ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ hàng hóa không chỉ là hướng đi mới mẻ mà còn phù hợp với xu thế phát triển khoa học và công nghệ. Đây là cơ hội để nông dân và các hợp tác xã phát huy thế mạnh sản phẩm, khuyến khích việc duy trì giá trị nông sản truyền thống và sản xuất gắn với thế mạnh địa phương.
Đại diện Bưu điện tỉnh Điện Biên, đơn vị quản lý sàn thương mại điện tử buudien.vn, cho biết đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, quảng cáo và quản lý gian hàng cho doanh nghiệp. Điện Biên cũng triển khai các chương trình hỗ trợ chi phí chuyển phát để tăng khả năng cạnh tranh, cùng với truyền thông và livestream bán hàng trực tuyến, nhằm thay đổi nhận thức của người dân và người tiêu dùng về tầm quan trọng của sàn thương mại điện tử. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh và cạnh tranh trên thị trường.