Làm dâu trăm họ
Nguyễn Ngọc Lan (30 tuổi, TP.HCM) đã làm công việc caddie (nhân viên hỗ trợ, kéo, bảo quản bao đựng gậy đánh golf cho khách trên sân) trong một sân golf tại TP.HCM được 10 năm. Thời gian làm việc linh động, được gặp gỡ nhiều người nổi tiếng… khiến Lan yêu thích và gắn bó với công việc này.
Tuy vậy, Lan cho biết: “Làm caddie không khác gì làm dâu trăm họ. Được ví như huấn luyện viên, chuyên gia tư vấn riêng cho các golfer (người chơi golf) nhưng caddie lại thường xuyên bị khách xem thường, mắng chửi, thậm chí hành hung”.
“Trên sân, chúng tôi không chỉ kéo gậy cho khách mà còn tư vấn cho họ đánh những khoảng cách an toàn, gậy an toàn… Nhưng chúng tôi thường không được xem trọng. Nếu chẳng may gặp khách khó tính hoặc thua độ, chúng tôi bị mắng chửi là chuyện thường xuyên”.
Lan kể có lần phục vụ một tay golf khó tính. Mỗi khi đánh hỏng, người này lại văng tục. Suốt thời gian phục vụ, Lan phải hứng chịu những câu chửi thiếu văn hóa, tế nhị. Thậm chí, có lần cô chứng kiến cảnh một đồng nghiệp của mình bị khách hàng hành hung.
Lan nói: “Sân golf tôi làm việc từng có trường hợp một bạn caddie bị khách hàng dùng gậy hành hung. Những trường hợp như thế phần lớn đều do tính cách khách nóng nảy, thiếu kiềm chế hoặc thua cá cược nên không giữ được bình tĩnh rồi trút giận lên caddie.
Làm caddie rất áp lực. Hôm nào gặp được người khách tốt, vui vẻ thì xem như mình may mắn. Ngược lại, hôm gặp khách khó tính thì chỉ kéo túi gậy thôi, chúng tôi cũng đã rất căng thẳng. Suốt thời gian phục vụ, chúng tôi luôn giữ im lặng, chỉ được lên tiếng khi khách yêu cầu. Tuy nhiên, có lần chúng tôi tư vấn lại bị khách quát nạt, thậm chí xúc phạm”.
Vất vả là vậy nhưng thu nhập của caddie chủ yếu phụ thuộc vào tiền tip (tiền bo) của khách hàng. Caddie được công ty chủ quản trả lương. Tuy nhiên, mức lương ấy khá thấp. Việc khách hàng có thể tác động trực tiếp đến thu nhập của mình khiến những người như Lan cam chịu khi bị mắng mỏ, xúc phạm.
“Dù không nhiều nhưng vẫn có trường hợp khách hàng đến sân với tâm thế mình là người có tiền, có địa vị, bỏ tiền ra thuê caddie làm việc, phục vụ mình nên có quyền mắng chửi họ. Mỗi golfer có tính cách khác nhau nhưng chúng tôi phải làm hài lòng tất cả khách hàng của mình”, Lan chia sẻ.
Nhiều cạm bẫy
Để đối mặt với những áp lực ấy, caddie phải học hỏi, thích nghi từng ngày. Trước khi trở thành “huấn luyện viên, chuyên gia tư vấn riêng” cho golfer, caddie phải trải qua khóa đào tạo ít nhất 3 tháng. Trong 3 tháng này, caddie được đào tạo luật của môn thể thao quý tộc, một số kỹ thuật, điều lệ của công ty…
Sau 3 tháng, caddie tiếp tục tự tích lũy kinh nghiệm chơi golf bằng cách học lỏm trong quá trình huấn luyện viên dạy golfer mới. Lan chia sẻ: “Khi ra sân, chúng tôi đi theo các thầy dạy khách mới chơi. Các thầy chỉnh, hướng dẫn khách như thế nào thì chúng tôi học lỏm".
“Chúng tôi quan sát kỹ năng thầy dạy cho khách rồi ghi nhớ, tích lũy và biến nó thành kinh nghiệm của mình. Sau đó, chúng tôi dùng những kinh nghiệm học lỏm được hỗ trợ cho khách hàng mình phục vụ khi cần. Khách ưng ý thì chúng tôi có cát-xê cao và ngược lại”.
Tuy vậy, không phải caddie nào cũng được các golfer tìm đến vì khả năng tư vấn, hướng dẫn cách chọn gậy, vị trí đánh tốt nhất… Nhiều caddie được chọn vì ngoại hình ưa nhìn, hấp dẫn của mình.
Ngọc Lan chia sẻ: “Là caddie có thể không đẹp lắm nhưng phải có ngoại hình. Nghề của chúng tôi, ai xinh, ai trẻ, ai tốt thì nhiều khách đặt lịch, mời phục vụ. Những ai có ngoại hình khiêm tốn hơn hoặc ít duyên dáng hơn thì chỉ đi theo lượt hoặc chờ người khác không thể ra sân để mình thế chân thôi”.
Cũng từ quy luật bất thành văn này, caddie phải đối mặt với nhiều cạm bẫy hơn. Ngọc Lan không ngại chia sẻ việc nhiều caddie bị khách nam dụ dỗ, quấy rối tình dục thậm chí đặt vấn đề “bán vốn tự có”.
Ngược lại, nhiều caddie cũng bị sự giàu có của khách hàng mình phục vụ làm mờ mắt để trở thành những “kẻ thứ ba”, “bồ nhí”…
Lan nói: “Chuyện caddie nam, nữ bị khách hàng là đại gia của mình dụ dỗ, quấy rối tình dục không thiếu. Thậm có trường hợp caddie chủ động câu kéo, dụ dỗ lại khách hàng của mình.
Những trường hợp này thường rơi vào các caddie chưa có gia đình và ham mê vật chất. Họ đến với công việc này với mục đích chính là kiếm tiền một cách nhanh chóng.
Đó là những "con sâu làm rầu nồi canh" và khiến cái nghề nhiều vất vả của chúng tôi ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy vậy, vẫn có trường hợp caddie và golfer đến với nhau vì đam mê môn thể thao này và họ yêu nhau, trở thành vợ chồng”.