Duyên chia sẻ khi biết tin được nhận giải thưởng em như vỡ òa trong nước mắt: “Em đã rất vui mừng bởi nỗ lực của mình được ghi nhận và cũng rất bất ngờ bởi các ứng viên khác đều nổi trội với nhiều hoạt động, đóng góp về nghiên cứu khoa học”.

{keywords}
 

Là con gái nhưng chọn theo học khoa Điện - Điện tử, Duyên cho hay đó cũng như là một cái duyên. Ban đầu em dự định đăng ký học Luật kinh tế nhưng theo định hướng của gia đình với mong muốn tăng cơ hội việc làm, em mạnh dạn đăng ký nguyện vọng vào khoa Điện - Điện tử của Trường ĐH Duy Tân.

“Lúc đầu em vào khoa này theo định hướng của gia đình nhưng vào học em nhận ra mình thực sự rất thích và cảm thấy phù hợp", Duyên chia sẻ.

Ngành học chuyên sâu của Duyên là Hệ thống nhúng và chủ yếu lập trình về các vi mạch.

“Em mê công nghệ và thấy mình rất hợp với ngành học này. Thậm chí em có thể ngồi suốt cả ngày bên màn hình máy tính và làm việc mà không còn để ý gì đến xung quanh”, Duyên nói về lựa chọn của mình.

Duyên đến với niềm đam mê nghiên cứu khoa học nhờ được truyền cảm hứng từ một người anh khóa trên về việc nghiên cứu mang lại những lợi ích cho xã hội và thầy Hà Đắc Bình - Trưởng khoa Điện - Điện tử.

“Thầy thường nói với em đã học thì phải đi đôi với thực hành, còn nếu chỉ chăm chăm vào sách vở mà không hiểu thực tiễn bên ngoài thì sẽ khó có được tay nghề tốt. Em nghĩ và muốn làm được một thứ gì đó chứ không thể nào 5 năm đại học chỉ gói gọn trong sách vở”, Duyên kể về nguồn động lực thôi thúc mình.

{keywords}
 

Dự án đầu tiên của Duyên là tham gia nghiên cứu khoa học cấp khoa với đề tài “Thiết bị cảnh báo hết giấy vệ sinh” đạt loại tốt năm 2018.

Duyên kể dự án với cái tên khá thú vị này xuất phát từ một chuyện khó ngờ. Trong một lần nhóm bạn em cùng đi uống nước hóng mát ở ven biển, một cậu bạn có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh công cộng và vô tình khi vào đó lại hết giấy. Cậu bạn không mang theo điện thoại và không biết cách nào để gọi ra ngoài và rơi vào thế “mắc kẹt”.

Sau đó, Duyên và bạn cùng nhóm chợt nghĩ tại sao không thử làm một thiết bị lắp ở các nơi công cộng để có thể thông báo cho nhân viên vệ sinh mỗi khi hết giấy để kịp bổ sung. 

Thiết kế của sản phẩm này theo Duyên là lắp đặt một cảm biến ở trong hộp đựng giấy. Khi giấy hết, cuộn lõi sẽ chạm tới cảm biến thì hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn về nhân viên vệ sinh. 

“Đó là lần đầu tiên em thử làm một đề tài mà đem đi thực nghiệm thực tế nên cũng rất ngại”, Duyên kể.

{keywords}
 

Sau dự án đó, Duyên càng cảm thấy thích thú và tiếp tục tham gia 2 đề tài nghiên cứu khoa học “Magic Glasses (Kính ma thuật - PV)” và “Thiết bị cảnh báo xâm hại tình dục trẻ em" đạt loại giỏi cấp trường năm 2019.

Dự án “Thiết bị cảnh báo xâm hại tình dục trẻ em” sau đó tiếp tục đạt giải Khuyến khích ở cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Bộ GD&ĐT và cấp Thành phố của Đà Nẵng năm 2019.

Nguyên lý hoạt động của thiết bị này là đặt 2 cảm biến để nhận diện việc có từ 2 người cùng đi vào nhà vệ sinh và những hành động nhanh, mạnh, liên tục trong một khoảng thời gian - một trong những dấu hiệu của việc xâm hại tình dục.

Cảm biến thứ nhất đặt ở cửa nhà vệ sinh để cảnh báo bước 1 khi có 2 người trở lên cùng đi vào một nhà vệ sinh. Bên trong nhà vệ sinh là cảm biến thứ hai để đo những hoạt động quá nhanh hoặc quá mạnh diễn ra liên tục trong một khoảng thời gian nhất định (do thiết lập).

"Chúng em lập trình như vậy bởi trước hành vi xâm hại sẽ có những hành động mạnh, sử dụng tay chân bạo lực đối với người bị hại. Những cảm biến này sẽ đều có chuông báo động hoặc thông báo đến nhân viên quản lý để chú ý”, Duyên kể.

Quá trình thực nghiệm gặp không ít khó khăn, thậm chí nhận những ánh mắt dò xét, ái ngại của người khác.

Đầu tiên, nhóm của Duyên thử nghiệm thiết bị ở nhà trước. Mọi việc khó khăn hơn khi thử nghiệm ở hệ thống nhà vệ sinh của trường. Vì còn phải học tập trên lớp nên nhóm thường tận dụng giờ ra chơi để thử nghiệm.    

Điều Duyên ngại nhất đó là việc làm phiền mọi người bởi dù sao nhà vệ sinh cũng là nơi công cộng và việc thực nghiệm lại do một nam một nữ tiến hành.

“Nhưng vì đề tài, chúng em quyết tâm theo đuổi”, Duyên nói.

Còn dự án “Magic Glasses” cũng đạt giải Ba ở cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng. Chiếc kính này giúp người đang điều khiển phương tiện giao thông không cần phải lấy điện thoại ra để xem thông tin về tin nhắn, cuộc gọi đến,... mà sẽ kết nối điện thoại để hiển thị trên kính.

{keywords}
Hà Mỹ Duyên cùng người bạn đồng hành với mình trong các dự án nghiên cứu khoa học.

Điểm chung đặc biệt là tất cả cá dự án trên của Duyên là đều làm chung với một bạn nam trong lớp. “Chúng em cảm thấy làm việc nhóm ăn ý với nhau nên lập thành một nhóm từ năm nhất cho đến tận bây giờ là năm cuối”.

Chia sẻ về sở thích nghiên cứu khoa học, Duyên cho hay, ban đầu em cũng chỉ làm cho biết, nhưng rồi nhận thấy mình biết được nhiều kiến thức hơn.

“Em nghĩ rằng những trải nghiệm và tìm hiểu ngày hôm nay sẽ giúp ích cho việc đi làm sau này. Có bắt tay vào làm em mới hiểu bên trong các vấn đề, mới nắm được các quy trình. Đặc biệt em còn rèn cho mình kỹ năng báo cáo, thuyết trình trước đám đông hay phản biện, hoặc cách để giải quyết các vấn đề cấp bách”.

Không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, Duyên còn tích cực tham gia vào các hoạt động do Đoàn trường tổ chức. Em là sinh viên năm tốt cấp trường 2016; nhận Giấy khen của Đoàn trường các năm 2017 - 2018 khi hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Duyên cho hay, thời gian này em đang chuẩn bị bắt đầu làm luận văn tốt nghiệp và sau khi ra trường sẽ tìm một công việc phù hợp để có thể tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình.

Giải thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực Khoa học công nghệ do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức nhằm tuyên dương, động viên các nữ sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ thuộc các ngành đào tạo Công nghệ thông tin, điện, điện tử và cơ khí, góp phần đào tạo nguồn cán bộ khoa học công nghệ nữ trẻ, phục vụ sự nghiệp công hiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm 2020, ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 20 nữ sinh xuất sắc. Trong đó, 11 nữ sinh thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, 8 nữ sinh thuộc lĩnh vực Điện - Điện tử và 1 nữ sinh thuộc lĩnh vực cơ khí.

T.H