Theo báo cáo của VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), trong tháng 8/2019, quỹ đầu tư này đã hoàn tất thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo.

Sau khi hoàn tất toàn bộ việc thoái vốn khỏi VietJet, VinaCapital đã thu về khoảng 80 triệu USD từ tiền bán cổ phiếu và cổ tức với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) cho thương vụ đầu tư vào hãng hàng không VietJet ở mức 86%.

Như vậy, tổng cộng quỹ của VinaCapital đã thu về gần 900 tỷ đồng sau khi bắt đầu vào VJC với khoản đầu tư đầu tiên khoảng 20 triệu USD vào VJC trong đợt IPO vào tháng 12/2016.

Hiện tại, VinaCapital đang đẩy mạnh vào một doanh nghiệp đang bứt phá khác cũng của bà Thảo là Ngân hàng HDBank.

Tỷ suất lợi nhuận cho khoản đầu tư vào VJC của VinaCapital khá cao so với hoạt động của nhiều quỹ khác. Tuy nhiên, nếu so với biến động giá của VietJet thì cũng không hẳn đã thực sự tốt.

Kể từ khi lên sàn hồi tháng 2/2017, giá cổ phiếu VietJet đã tăng khá mạnh, từ mức 60.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) lên 140.000 đồng/cp như hiện tại, tương đương mức tăng là hơn 230%. 

{keywords}
Nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo.

Có thời điểm VJC lên trên 180.000 đồng/cp (giá điều chỉnh). Điều đó có nghĩa là nếu chốt lời ở những thời điểm hợp lý, các nhà đầu tư có thể thu lời lên tới gấp 3 lần so với vốn đầu tư bỏ ra ban đầu.

Sở dĩ VJC tăng mạnh trong vài năm gần đây là bởi lĩnh vực hàng không Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hàng loạt các ông lớn gần đây đã nhảy vào lĩnh vực này, từ FLC của ông Trịnh Văn Quyết cho tới Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng và một loạt các đơn vị khác chờ cấp phép như Vietravel Airlines, Thiên Minh…

Các ông lớn trong ngành cũng đang đẩy mạnh đầu tư để mở rộng quy mô như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways.

Trong 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines tiếp nhận và đưa vào khai thác 8 tàu bay thân hẹp Airbus A321neo, 2 tàu bay thân rộng Airbus A350, hoàn tất hợp đồng đầu tư mới 14 “siêu máy bay” Airbus A350. Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 2019, HVN sẽ hoàn thành đầu tư mới 20 tàu bay thân hẹp Airbus A321neo; tiếp nhận và đưa vào khai thác 3 tàu bay thân rộng Boeing 787-10 trong tổng số 8 chiếc; thực hiện đầu tư 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021-2025.

Hãng hãng không VietJet của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo vài năm gần đây có nhiều hợp đồng mua buôn máy bay với số lượng lớn với các nhà chế tạo Boeing và Airbus. Hồi cuối 2/2019, bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, VJC thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế với thương vụ mua mới 100 máy bay 737 MAX của Boeing giá trị 12,7 tỷ USD. Trước đó, năm 2016, Vietjet cũng có một hợp đồng khủng ký với Boeing mua 100 tàu bay B737 MAX.

Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng đã ký một hợp đồng mua thêm 10 máy bay Boeing 787s, trị giá khoảng 3 tỷ USD sau khi có thoả thuận mua 20 chiếc máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với giá trị 5,6 tỷ USD. Tổng cộng Bamboo Airways sẽ mua về 30 chiếc Boeing 787, với chiếc đầu tiên sẽ về Việt Nam vào quý 3/2020.

Trong một diễn biến mới nhất, Hãng hàng không Vinpearl Air cũng vừa gửi đề xuất chọn chọn sân bay Nội Bài làm sân bay căn cứ và đây được xem là điều khả thi. Vinpearl Air có kế hoạch đưa vào khai thác 6 tàu bay vào năm 2020 và 10 tàu trong năm 2021.

Trở lại lĩnh vực đầu tư, với các quỹ đầu tư, hàng không vẫn là lĩnh vực hấp dẫn. Tuy nhiên, với mục tiêu tối đa hóa lợi  nhuận, xu hướng là chọn những doanh nghiệp có cơ hội bứt phá cao hơn.

VOF do VinaCapital quản lý có tổng danh mục vào thời điểm cuối tháng 8/2019 khoảng 920 triệu USD. Quỹ này đang nắm giữ 1 tỷ lệ lớn cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát và HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

Thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 19/9 VN-Index đang giảm nhẹ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều cổ phiếu blue-chips diễn biến tích cực.

Các cổ phiếu trụ cột tăng giá gồm: HDBank, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietcombank…

Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.

Theo BSC, thanh khoản thị trường giảm nhẹ phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước định hướng điều hành lãi suất không rõ ràng của FED và việc Hợp đồng phái sinh tháng 9 đáo hạn trong hôm nay. Theo BSC, tâm lý lo ngại này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch ngày mai khi các quỹ ETF tiến hành cơ cấu lại danh mục của mình.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/9, VN-Index tăng 1,95 điểm lên 997,1 điểm; HNX-Index tăng 1,75 điểm lên 104,04 điểm và Upcom-Index tăng 0,28 điểm điểm lên 56,69 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 4,3 ngàn tỷ đồng.

V. Hà