- Từ 2020-2030, mỗi năm, 9 nhà máy nhiệt điện than ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ thải ra hơn 13 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao. Các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh miền Tây đang nỗ lực nghiên cứu xử lý số rác thải này.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ĐBSCL hiện có 3 cụm nhiệt điện là Duyên Hải, Long Phú và Sông Hậu, trong đó các nhà máy đang vận hành là nhiệt điện Duyên Hải I, III với tổng công suất lắp đặt là 1.445 MW, hàng năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ.
Từ sau năm 2020 đến năm 2030, sẽ có thêm 9 nhà máy nhiệt điện than hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 18.225 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 54,68 triệu tấn than và thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.
Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho rằng, việc có 9 nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL là "vừa mừng vừa lo". |
Nếu không có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy xử lý, sử dụng thì tổng lượng tích lũy tro, xỉ, thạch cao trên các bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện sẽ phát sinh rất lớn. Vì vậy, đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra.
Lượng tro, xỉ thải ra sẽ cần đến diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác. Nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế.
“Từ 2020-2030, khi 9 nhà máy đi vào hoạt động sẽ thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao. Lúc đó, câu chuyện đặt ra liên quan đến vấn đề môi trường rất lớn. Làm sao để xử lý lượng chất thải này? Làm sao để dòng sông Hậu hiền hoà không có những ngọn đồi, ngọn núi tro, xỉ bên cạnh. Đây là điều chúng tôi hết sức băn khoăn”, ông Nam lo lắng.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, tại Việt Nam, để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng với chi phí hợp lý thì việc phát triển nhiệt điện than cần được quan tâm đúng mức.
“Tuy vậy, việc phát triển nhiệt điện than phải gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Vấn đề tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện than thời gian qua đang là thách thức do thiếu các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp. Cần phải khẳng định rõ ràng là tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than không phải là chất thải nguy hại” Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
“Việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng một lượng lớn tro, xỉ, thạch cao là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Chính phủ, cũng như các Bộ, ngành, các địa phương nơi có nhà máy điện than, đặc biệt đối các doanh nghiệp sản xuất điện than”, trích lời Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh.
Hiện nay, một số loại vật liệu xây dựng được sản xuất từ tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện đã được nghiên cứu, ứng dụng tại Việt Nam.
Tới đây, ĐBSCL sẽ tập trung phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng từ tro, xỉ. Xuất phát từ thực tế hiện nay các công trình giao thông, công trình đường bộ tại khu vực này đã phải nhập cát từ Campuchia với giá rất cao; công tác sản xuất xi măng mặc dù được đầu tư tốt, nhưng chi phí cho chất liên kết này còn cao.
Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao và tổng diện tích các bãi thải xỉ khoảng hơn 700 ha. Tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện than đi vào hoạt động, với tổng công suất lắp đặt là 24.370 MW, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than. Tổng lượng tro bay, xỉ đáy lò phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020 khoảng 22,6 triệu tấn/năm. |
H.Thanh