Nhưng chỉ sau đó vài ngày, “chiến sự” bắt đầu gõ cửa nước Nga, không phải bằng đạn cối hay tên lửa hành trình, mà bằng các lệnh trừng phạt chưa từng có mà phương Tây giáng xuống nước này.

Nhiều doanh nghiệp tháo chạy

Một trung tâm thương mại ở Moscow (Nga) trở nên vắng vẻ sau khi nhiều nhãn hàng phương Tây ngừng hoạt động. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, 3 tháng kể từ ngày xung đột với Ukraine bùng phát, nhiều người dân Nga đang phải vật lộn với những khó khăn về kinh tế. Các trung tâm mua sắm rộng lớn ở thủ đô Moscow trở nên vắng vẻ, với hàng loạt cửa hiệu, nhà hàng phương Tây ngừng hoạt động.

Thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng McDonald’s, từng là một hiện tượng văn hóa tại Nga khi mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1990, giờ đây đã hoàn toàn rút khỏi quốc gia này để phản ứng với chiến dịch quân sự ở Ukraine

Hãng nội thất IKEA - hình ảnh thu nhỏ của các tiện nghi hiện đại với giá phải chăng, cũng đã đình chỉ hoạt động ở Nga, kéo theo hàng chục công ăn việc làm “bốc hơi” chỉ trong thời gian ngắn.

Nhiều công ty công nghiệp lớn khác từ phương Tây, gồm các “gã khồng lồ” dầu khí như BP, Shell, hay nhà sản xuất ô tô Renault của Pháp, đều quyết tâm “dứt áo ra đi”, bất chấp phải gánh chịu nhiều thiệt hại do đã đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Nga.

Cửa hàng McDonald's tại Moscow (Nga) đã ngừng hoạt động. Ảnh: AP

Còn với người dân Nga, việc di chuyển ra nước ngoài giờ đây trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước, khi 27 quốc gia của Liên minh châu Âu (EU), cùng với Mỹ, Anh và Canada đều cấm hoàn toàn các chuyến bay đến và đi từ Nga. Thủ đô Tallinn của Estonia, vốn chỉ mất 1 tiếng rưỡi đi máy bay từ Moscow, đột nhiên bị kéo dài tới ít nhất 12 giờ và phải trải qua một chặng quá cảnh ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Ngay cả việc “du lịch” gián tiếp qua Internet và mạng xã hội ở Nga cũng là một thách thức, khi Chính phủ Moscow hồi tháng 3 đã cấm truy cập Facebook và Instagram, đồng thời chặn quyền truy cập vào các trang web truyền thông nước ngoài.

Hậu quả chưa bộc lộ hết

Trong những ngày đầu khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, đồng Rúp chỉ mất một nửa giá trị, thậm chí đã tăng lên mức cao hơn cả trước thời điểm 24/2 nhờ những nỗ lực của Chính phủ Nga.

Nhưng theo Chris Weafer - một nhà phân tích kinh tế Nga kỳ cựu tại công ty tư vấn chiến lược kinh doanh Macro-Advisory, xét về mặt kinh tế, thì “đó là một câu chuyện hoàn toàn khác”.

“Chúng tôi nhận thấy sự suy thoái của nền kinh tế Nga hiện nay trên một loạt lĩnh vực. Các công ty nước này đang cảnh báo rằng họ sắp hết phụ tùng thay thế còn tồn kho. Nhiều công ty chỉ cho phép người lao động làm việc bán thời gian, trong khi những công ty khác có nguy cơ bị đóng cửa hoàn toàn”, ông Weafer nói với AP. “Vì vậy, thật sự có một nỗi lo sợ rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Nga sẽ gia tăng trong những tháng hè, trong khi mức độ tiêu dùng cùng các doanh số bán lẻ và đầu tư sẽ giảm mạnh”.

Sạp hàng của thương hiệu đồ thể thao Adidas mới đóng cửa tại một trung tâm thương mại ở St. Petersburg (Nga). Ảnh: AP

Theo báo Wall Street Journal, các lệnh trừng phạt có khả năng đẩy nền kinh tế Nga vào suy thoái sâu, gây thêm sức ép cho doanh nghiệp trong nước. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính, tổng sản phẩm quốc nội Nga sẽ giảm 8,5% trong năm nay, mức sâu nhất kể từ đầu những năm 1990.

Chris Weafer cho rằng, dù đồng Rúp hiện còn tương đối mạnh, nhưng việc tăng giá của nó cũng gây ra nhiều vấn đề đối với ngân sách nhà nước Nga.

“Nga vẫn nhận được doanh thu một cách hiệu quả bằng ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu và các khoản thanh toán của họ bằng đồng Rúp. Vì vậy, đồng Rúp càng mạnh thì họ càng chi ít tiền hơn”, ông nói. “Tuy nhiên, điều đó cũng làm suy yếu sức cạnh tranh từ các nhà xuất khẩu Nga, khi hàng hóa của họ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường thế giới”.

Xung đột càng kéo dài thì càng nhiều công ty có thể rút khỏi Nga, song theo ông Weafer, những công ty chỉ đình chỉ hoạt động ở Nga vẫn có thể nối lại việc kinh doanh nếu Moscow đạt được thỏa thuận ngừng bắn và mang lại hòa bình cho Ukraine. Dù vậy, khả năng điều này xảy ra thật sự rất thấp.

Người phụ nữ đứng trước lối vào một điểm trao đổi ngoại tệ ở St. Petersburg (Nga). Ảnh: AP

“Nếu dạo quanh các trung tâm mua sắm ở Moscow, bạn có thể thấy nhiều cửa hàng thời trang, các tập đoàn kinh doanh phương Tây chỉ đơn giản mới hạ cửa chớp xuống. Kệ hàng của họ vẫn đầy, đèn vẫn sáng, chỉ là chúng không mở cửa”, ông tiết lộ. “Thực tế là họ vẫn chưa thật sự rời đi, mà chỉ đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, những công ty này sẽ sớm phải giải quyết tình trạng lấp lửng mà các cơ sở kinh doanh của họ ở Nga đang mắc phải. “Giờ đây, chúng ta đang tiến đến giai đoạn mà các công ty bắt đầu cạn kiệt thời gian, thậm chí cả sự kiên nhẫn”, ông nói.

Việt Anh