Mác thép nào cũng làm được, miễn là có nhu cầu?

VietNamNet tiếp tục ghi nhận ý kiến của nhiều doanh nghiệp liên quan đến phát ngôn “Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số ô tô” của Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, lãnh đạo cả doanh nghiệp ngành thép lẫn ngành cơ khí lại tỏ ra thông cảm với ý kiến này.

"Chúng tôi hiểu rằng, sâu xa của nhận định này là nói về sự yếu kém công nghiệp vật liệu. Và đúng là hiện trên thực tế, nếu muốn chế tạo các linh kiện cơ khí xuất khẩu thì chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp trong nước phải nhập thép từ nước ngoài vì trong nước chưa sản xuất được. Có điều không phải vì thế mà nói ngành thép trong nước không làm được. Chẳng qua là làm được với giá nào thôi. Có nghĩa là nếu họ làm được nhưng chi phí cao thì chúng tôi không mua, mà ít người mua thì họ cũng không làm", ông Nguyễn Thao - Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC) chia sẻ.

AESC hiện là doanh nghiệp hiếm hoi của Việt Nam được Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu phê chuẩn chế tạo thiết bị hàng không. Ngoài cung cấp các thiết bị nhựa chống cháy trên máy bay thì công ty cũng đang xuất khẩu thanh chắn thép - một linh kiện quan trọng trong bánh máy bay cho một doanh nghiệp của Mỹ để đối tác này đưa vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn hàng không. Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào cũng được đơn vị nhập khẩu bởi trong nước chưa cung ứng.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam cho rằng, nếu để làm được 1 chiếc ốc vít lắp vào bánh ô tô con chạy trên đường cao tốc hay thép làm cầu thì vật liệu thép trong nước chưa có.

"Tuy nhiên, không phải các đơn vị thép trong nước không làm được mà làm không hiệu quả bằng sản xuất thép xây dựng. Bởi quyết định làm một sản phẩm nào đó thì dung lượng thị trường, từ đó dẫn đến chi phí mới là vấn đề quan trọng nhất", ông Phúc nói.

Doanh nghiệp có khả năng sản xuất mác thép chất lượng cao. Ảnh: Hoàng Hà

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định, về mặt kỹ thuật Việt Nam hoàn toàn có thể làm được các sản phẩm thép chế tạo. Nhưng dung lượng thị trường quá nhỏ bé nên không kích thích doanh nghiệp đầu tư làm các sản phẩm này. "Như vật liệu cho linh kiện ô tô, thì Thái Lan, hay Indonesia mỗi năm sản xuất hàng triệu xe nên có thể sản xuất được thép chế tạo. Còn ở Việt Nam mỗi năm chỉ sản xuất mấy trăm nghìn xe ô tô nên không đủ để doanh nghiệp đầu tư sản xuất thép chế tạo", ông Đa nói đồng thời thông tin, Formosa mỗi năm vẫn sản xuất một lượng thép chế tạo, nhưng là để xuất khẩu.

Đại dịện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, năm 2022, Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất đã nghiên cứu và sản xuất mác thép các bon cao để làm tanh lốp xe ô tô có chất lượng tương đương các nước công nghiệp thép phát triển và giá thành lại cạnh tranh.

Tanh lốp ôtô là chi tiết thanh kim loại giúp kẹp lốp vào mâm xe một cách chắc chắn, định hình cho toàn lốp và ngăn chặn hơi thoát ra ngoài. Nhu cầu thép cuộn cho sản xuất tanh lốp ô tô ngày càng lớn nhưng chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước chưa ai sản xuất.

Sau thành công trong sản xuất thép cuộn làm tanh lốp xe ô tô, đầu năm 2023 Thép Hòa Phát Dung Quất đã tiếp tục thử nghiệm và sản xuất thành công thép thanh vằn đóng cuộn để làm cốt bê tông cho các siêu công trình, được làm ở dạng cuộn để thuận tiện trong việc vận chuyển.

Nền móng để phục vụ công nghiệp hóa

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên giá trị gia tăng của ngành công nghiệp không cao. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp. Điều này khiến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất, khiến cho hoạt động sản xuất trong nước thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội trên thế giới và trong khu vực (mà ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến khu vực sản xuất vừa qua là một ví dụ).

Mỗi năm, Việt Nam nhập hàng chục tỷ USD nguyên vật liệu từ nước ngoài về phục vụ cho xuất khẩu, chưa kể hàng tỷ USD nhập máy móc các loại. Số tiền "khổng lồ" này nếu được chuyển hóa thành các sản phẩm "made in Vietnam" thì giá trị mang lại cho nền kinh tế, việc làm sẽ rất lớn. 

Tư duy nhập khẩu cho "nhanh và rẻ" không sai, nhưng lại làm hạn chế sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước, nhất là những ngành Việt Nam hoàn toàn có nhân lực và vật lực để thực thi.

Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu kém. Ảnh: Nam Khánh

Một nguyên lãnh đạo của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Thước đo sự phát triển công nghiệp của một quốc gia không chỉ ở chỗ là tạo ra bao nhiêu GDP, đóng góp bao nhiêu vào GDP mà quan trọng là quốc gia đó sản xuất được bao nhiêu sản phẩm công nghiệp cho đất nước.

Các quốc gia phát triển đều có các ngành công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế biến chế tạo phát triển. Ở các nước công nghiệp, dù là nước đã phát triển từ lâu hay mới nổi, trong suốt 20 năm qua, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn luôn đóng góp khoảng 20% trong GDP.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019, khu vực sản xuất chế biến chế tạo của Trung Quốc chiếm 27,1% GDP, Hàn Quốc 25,3%, Thái Lan 25,3%, Malaysia 21,5%, Nhật Bản 20,7%, Singapore 19,8%, và Đức 19,4%.

Bộ Công Thương cho rằng với một nền kinh tế quy mô khoảng 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu việc làm cao, và vẫn còn gần 70% dân số ở khu vực nông thôn, muốn độc lập, tự chủ, và thịnh vượng, thì nền kinh tế đó phải có một ngành sản xuất chế biến chế tạo phát triển lớn mạnh để quá trình hiện đại hoá và đô thị hoá đất nước diễn ra nhanh và bền vững. 

“Sự lớn mạnh của khu vực sản xuất, của các ngành chế biến, chế tạo sẽ tạo ra sự dịch chuyển thu hút lao động ra khỏi khu vực nông thôn, chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất nông nghiệp và áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả trong khu vực nông nghiệp”, Bộ Công Thương định hướng.

Rõ ràng, trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, Việt Nam không cần thiết phải làm ra tất cả các sản phẩm từ khâu đầu đến khâu cuối. Nhưng, những sản phẩm công nghiệp chủ lực, có thế mạnh như điện tử, dệt may, da giày… Việt Nam cần phải có sự đầu tư cho các ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ. Khi đó, giá trị gia tăng của các sản phẩm sẽ được nâng lên, tự chủ được nhiều hơn về nguồn cung nguyên vật liệu, qua đó giúp thu hút được nhiều tập đoàn nước ngoài đến đặt nhà máy.

Tại buổi gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin về Triển lãm chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô (Automechanika 2023) diễn ra hôm 21/2 tại Hà Nội, PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát biểu: "Trên một chiếc ô tô hiện nay có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, cần tới hơn 200 mã kim loại (mã thép). Hiện nay các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thể chế tạo được một mã kim loại nào trong tổng số 200 mã đó. Chúng ta chỉ mới làm được cái ốc vít bắt biển số xe”.