“Hôm nay chúng ta nghe nói họ muốn đánh bại chúng ta trên chiến trường. Vậy thì tôi có thể nói gì đây? Hãy để họ thử xem sao. Chúng ta đã nhiều lần nghe về việc các nước phương Tây muốn đánh Nga tới người Ukraine cuối cùng. Đây là một thảm kịch cho người dân Ukraine, nhưng có vẻ như mọi thứ đang đi theo chiều hướng này”, hãng tin Al Jazeera dẫn lời ông Putin nói. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7/7. Ảnh: Sputnik

“Mọi người nên biết rằng, nước Nga thậm chí chưa bắt đầu chiến dịch quân sự này một cách nghiêm túc. Dù vậy, chúng tôi không từ chối những cuộc đàm phán hòa bình. Nhưng những người từ chối hòa đàm cần biết rằng, họ càng kéo dài cuộc chiến thì việc đàm phán với chúng tôi càng khó khăn hơn”, ông Putin nói thêm.

“Những ý tưởng hợp tác về phòng thủ tên lửa đã bị từ chối, những cảnh báo về sự mở rộng không thể chấp nhận được của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là với những hệ quả mà các nước thuộc Liên Xô cũ phải gánh chịu, đã bị phớt lờ. Nếu mục tiêu của phương Tây là châm ngòi cho xung đột giữa Nga và Ukraine thì họ đã làm được điều đó. Tuy nhiên, ở cấp độ chiến lược, phương Tây đã thất bại khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine”, ông chủ Điện Kremlin khẳng định.

Liên Hợp Quốc cảnh báo thảm họa vì chiến sự Ukraine

“Một thảm họa đói kém có thể bùng phát trong vòng hai năm tới, tạo ra áp lực chính trị trên toàn cầu chưa từng có. Số người trên toàn cầu được Liên Hợp Quốc (LHQ) liệt vào dạng ‘thiếu an ninh lương thực nghiêm trọng’ trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát là 130 triệu người”, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới David Beasley nói với hãng tin The Guardian hôm nay (8/7).

“Nhưng nay con số này đã tăng lên 345 triệu người trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine nổ ra. Có khoảng 50 triệu người sinh sống ở 45 quốc gia đang đứng ‘mấp mé’ nạn đói”, ông Beasley nói thêm.

“Cộng đồng quốc tế cần phải hành động nhằm ngăn thảm họa nghèo đói này lại. Các thị trường lương thực toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn với giá cả tăng vọt, các lệnh cấm xuất khẩu và tình trạng thiếu lương thực cơ bản đã lan rộng ra khỏi biên giới của Ukraine. Nhiều quốc gia ở châu Phi, Trung Đông, châu Á hay thậm chí Mỹ Latin đang cảm nhận sức nóng của cuộc xung đột”, ông Beasley nhấn mạnh.

Phần Lan thông qua luật xây rào chắn biên giới với Nga 

Theo hãng tin AP, Quốc hội Phần Lan hôm 7/7 đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép xây rào chắn biên giới với Nga, để đề phòng người tị nạn. Dự kiến, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto sẽ ký duyệt dự luật trên trong ngày hôm nay (8/7).

AP nhận định, chính quyền Helsinki hiện gấp rút tăng cường an ninh biên giới do họ lo ngại Nga có thể gây áp lực bằng việc gửi những người xin tị nạn đến biên giới Phần Lan, giống như điều mà Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc chính quyền Belarus đã làm vào cuối năm ngoái, khi hàng trăm người di cư muốn vào châu Âu bị kẹt ở biên giới Ba Lan.

“Tình hình an ninh ở Phần Lan và châu Âu về cơ bản đã thay đổi trong những tháng gần đây, và tôi rất mừng khi Quốc hội Phần Lan ủng hộ dự luật trên”, Bộ trưởng Tư pháp Phần Lan Anna-Maja Henriksson nói.