Ngày 3/8, đoàn công tác của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng đoàn công tác chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tào Đức Thắng cho rằng, cuộc làm việc là cơ hội để tập đoàn được báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những khó khăn, tồn tại hiện nay của Tập đoàn, đồng thời cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách mới cho phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số, đầu tư ra nước ngoài để thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án có thêm những thông tin trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án, tham mưu những chủ trương, chính sách về CNH, HĐH trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Đây là một đề án quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và quyết định đến tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) của đất nước, trong đó có sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung, các DN thuộc lĩnh vực công nghiệp nói riêng.
Để hoàn thiện Đề án, cũng như để sau này Nghị quyết ban hành có tính thực thi và hiệu quả cao, Cơ quan Thường trực xây dựng Đề án hiểu rằng vai trò, đóng góp và những đề xuất của các DN có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách thực hiện CNH, HĐH cho giai đoạn tới.
Ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả, thành tựu tích cực mà Tập đoàn Viettel đã đạt được trong những năm qua. Tập đoàn Viettel là doanh nghiệp đầu tiên Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án tới làm việc trực tiếp, điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của tập đoàn trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; xây dựng hạ tầng số; phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, liên kết chặt chẽ, hiệu quả với công nghiệp dân sinh; phát triển các ngành nghề mới như ngành công nghiệp vũ khí công nghệ cao, ngành công nghiệp an ninh mạng…
Đặc biệt, Viettel cũng là đơn vị quyết liệt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử, ICT, công nghệ cao.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, các ý kiến tại cuộc làm việc đã có sự thống nhất cao và đều khẳng định rằng trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ cùng với việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do, nhất là những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (RCEP, CPTPP, EVFTA) cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quan điểm CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới rõ ràng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới; xác định nội dung cốt lõi của mô hình CNH, HĐH mới...
Tập đoàn Viettel cho biết, sắp tới, Tập đoàn thực hiện chiến lược tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Kế hoạch tháng 10 tới, Viettel sẽ ra mắt thêm một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất thiết bị quang điện tử, tích hợp. VMC còn mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ mới như composite, xử lý bề mặt, chế tạo robot, điện gió, dầu khí…
Lương Bằng
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Vừa qua, ông cũng đã được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương.