Động thái này của Tổng thống Trump một lần nữa đón nhận nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế, tương tự quyết định trước đây của ông về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.

{keywords}
Ảnh: Express

Ngày 22/3, chính phủ Syria đã chỉ trích phát biểu của ông chủ Nhà Trắng, đồng thời nêu rõ chính quyền Damacus kiên quyết giành lại Cao nguyên Golan "bằng mọi biện pháp khả thi".

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh Tổng thống Trump đã cho thấy "sự thiên vị của Mỹ" đối với Israel. Theo bộ này, phát biểu của Tổng thống Trump không làm thay đổi "thực tế rằng Cao nguyên Golan đã và sẽ vẫn thuộc về người Syria, Ảrập". Bộ Ngoại giao Syria khẳng định: "Dân tộc Syria ngày càng kiên quyết hơn nhằm giải phóng phần quý báu này của lãnh thổ quốc gia Syria bằng tất cả các biện pháp khả thi".

Tổng Thư ký Liên đoàn Ảrập Ahmed Aboul Gheit cho rằng tuyên bố của Tổng thống Trump "hoàn toàn vượt trên luật pháp quốc tế", đồng thời khẳng định quyền sở hữu của Syria với cao nguyên này.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nêu rõ Ankara "ủng hộ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Syria" và rằng "những nỗ lực của Washington nhằm hợp pháp hóa những hành động bất hợp pháp của Israel sẽ chỉ dẫn đến bạo lực ở khu vực".

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi, tuyên bố của Tổng thống Trump về Cao nguyên Golan là "bất hợp pháp và không thể chấp nhận được", đồng thời "không thể đảo ngược thực tế rằng vùng đất này thuộc về Syria".

Tương tự, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng việc thay đổi quy chế của Cao nguyên Golan sẽ vi phạm trực tiếp các quyết định của Liên Hợp Quốc.  

Từ Liên Hợp Quốc, người phát ngôn của Tổng Thư ký Antonio Guterres từ chối bình luận về động thái nói trên của Mỹ. Trong khi ông Ayman Abu Jabal, một thành viên của cộng đồng Druze ở Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, cho rằng: "Bất kể Mỹ hay Israel, ông Trump hay ông Netanyahu (Thủ tướng Israel), cũng sẽ không làm thay đổi sự thật mang tính lịch sử rằng Cao nguyên Golan thuộc Syria và sẽ vẫn là đất của Syria".

Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta cũng chỉ trích Tổng thống Trump, với lý do chính sách này đi ngược lại các đối tác quốc tế của Mỹ.

Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh cam kết "lịch sử" của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, khu vực tranh chấp mà nước này đã chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967.

Trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh: "Tổng thống Trump đã mạnh dạn công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Xin cảm ơn Tổng thống Trump!".

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham - người đang thúc đẩy Quốc hội Mỹ thừa nhận quyền kiểm soát của Israel đối với Cao nguyên Golan - đánh giá chính sách mới của ông chủ Nhà Trắng là "chiến lược khôn ngoan và hoàn toàn tuyệt vời".

Tuyên bố về quy chế của Cao nguyên Golan được Tổng thống Donald Trump đưa ra đúng vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công du Israel và trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ đến thăm Bức tường phía Tây (hay còn gọi là Bức tường Than khóc) cùng với Thủ tướng Israel chiều 21/3.

Hãng tin Reuters cho rằng tuyên bố của Tổng thống Trump đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ và tạo ra "cú hích" cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giữa chiến dịch vận động tái tranh cử hiện nay.

Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967 và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981 trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Thủ tướng Netanyahu đã gây sức ép để Mỹ thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Israel đối với khu vực tranh chấp và đã đề cập khả năng này tại cuộc gặp đầu tiên của ông với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2017.

Theo TTXVN