Thep tạp chí Newsweek, bình luận trên được ông Trump đưa ra ngày 26/8 tại hội nghị G7 ở thành phố Biarritz của Pháp, nơi quy tụ lãnh đạo của 7 nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất thế giới và một số quốc gia khác. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng có mặt tại thành phố này nhưng chỉ có các buổi tham vấn riêng với phía Pháp. 

{keywords}
Ảnh: Reuters

"Tôi đang mong có một Iran thực sự tốt, thực sự mạnh mẽ, chúng tôi sẽ không tìm kiếm một sự thay đổi chế độ, bạn đã chứng kiến nó diễn ra như thế nào trong 20 năm qua, không tốt lắm, chúng tôi muốn làm cho Iran giàu có trở lại. Hãy để họ giàu, hãy để họ làm tốt, nếu họ muốn, hoặc họ có thể cứ nghèo thế thôi", ông Trump bình luận khi phát biểu cùng với người đồng cấp Ai Cập.

Tổng thống Trump cũng đưa ra những lời bình luận tương tự tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nói rằng ông có "cảm nhận rất tốt" về một thỏa thuận tiềm tàng với Iran.

"Đó là một đất nước có tiềm năng to lớn. Nhân đây, tôi cũng nói như thế về Triều Tiên", ông Trump nhấn mạnh.

Donald Trump theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn với cả Triều tiên và Iran kể từ khi lên làm Tổng thống Mỹ năm 2017. Tuy nhiên, ông cũng chính là người bắt đầu cuộc đối thoại lịch sử Bình Nhưỡng vào năm 2018 và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 mà Iran cùng các cường quốc thế giới dày công đàm phán, đồng thời tái áp đặt trừng phạt lên Tehran. Ông gọi tên cách tiếp cận của mình với cả hai quốc gia này là "sức ép tối đa".

Dù chưa có thỏa thuận nào ra đời sau hai hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong Un, ông Trump tiếp tục ca ngợi cam kết đối thoại của lãnh đạo Triều Tiên. Vì vị thế chiến lược của Triều Tiên nằm cạnh Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga, vị tổng tư lệnh Mỹ chỉ ra "Triều Tiên có tiềm năng kinh tế to lớn, và tôi nghĩ Kim Jong Un biết điều đó".

"Với sự tôn trọng Iran, cũng như vậy. Iran có những con người tuyệt vời, một đất nước tuyệt vời tiềm năng…", ông Trump đánh giá.

Nhà lãnh đạo Mỹ còn khẳng định "thực sự" ông có thể bắt đầu ngồi lại để đàm phán với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani trong vài tuần, nhấn mạnh "tôi nghĩ ông ấy sẽ muốn gặp, tôi nghĩ Iran muốn giải quyết vấn đề của họ".

Ở Tehran, Tổng thống Rouhani ngụ ý ông có thể chấp nhận một lời đề nghị như vậy nếu nó nằm trong các lợi ích tốt nhất của Iran. Không nhắc đến cái tên Trump, nhà lãnh đạo Iran nói tại một cuộc họp báo cùng ngay 26/8: "Nếu tôi gặp một người và cuộc gặp đó giải quyết được các vấn đề của đất nước tôi thì tôi không ngại gặp bởi nó nằm trong nguyên tắc lợi ích quốc gia".

Trung Quốc, EU, Pháp, Đức và Anh đều tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân 2015 nhưng chính quyền Trump muốn đạt một thỏa thuận mới giải quyết cả vấn đề Iran hỗ trợ các nhóm dân quân và phát triển tên lửa đạn đạo. Nhà Trắng tỏ ra nghi ngờ các tuyên bố của Tehran rằng sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn có một hội nghị thượng đỉnh nữa với Chủ tịch Triều Tiên nhưng chưa có kế hoạch nào được thông báo. Hai người đã gặp nhau lần 3 cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ở biên giới liên Triều hồi tháng 6 nhưng việc Seoul và Washington tiếp tục tập trận chung khiến Bình Nhưỡng thực hiện 7 vụ thử vũ khí liên tiếp trong tháng qua. 

Hôm 25/8, Tổng thống Trump nói "chúng ta đang sống trong thế giới tên lửa" khi được hỏi về phản ứng của ông trước các vụ phóng mới đây, giảm nhẹ mức độ quan trọng của các vụ thử tên lửa tầm ngắn mới đây của Triều Tiên. Ông thậm chí nói mình cảm thấy Chủ tịch Kim "sẽ làm điều đúng đắn".

Thanh Hảo