Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump về vụ bắt giữ Phó Chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu bị cho là đã vượt qua giới hạn đỏ và đặt ra một “tiền lệ khủng khiếp”.
Hình ảnh cực hiếm ở khu phi quân sự liên Triều
Thót tim chiến cơ Nga lượn sát phóng viên giữa đường băng
Một câu nói, nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/12 rằng, ông có thể sử dụng Phó Chủ tịch công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc Mạnh Vãn Chu làm con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh đã làm dấy lên những chỉ trích chính trong nội bộ nước Mỹ. Lý do là điều này có thể đặt ra một “tiền lệ khủng khiếp”, vượt qua ranh giới đỏ ngăn cách giữa hệ thống chính trị và thượng tôn pháp luật.
Nhiều quan chức thực thi pháp luật, các nhà lập pháp, các chuyên gia phân tích pháp lý và kinh tế lên tiếng phản đối tuyên bố của ông Trump vì cho rằng đó không chỉ là một lợi thế thương lượng rất nhỏ mà còn có thể làm mất lòng một số đồng minh. Nguy hiểm hơn, nó có thể tạo ra một “tiền lệ nguy hiểm”, làm suy yếu sự an toàn của người Mỹ ở nước ngoài.
Ảnh: VOV |
Ông William Reinsch, chuyên gia về thương mại tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói: “Mỹ giống như Canada, chúng ta đều là những quốc gia được điều hành dựa trên Hiến pháp, nguyên tắc pháp lý và luật pháp. Trump về cơ bản nói rằng ông có thể can thiệp vào hệ thống tư pháp và công lý, đó có thể tạo nên một tiền lệ khủng khiếp”.
Trước đó, khi được hỏi về việc liệu ông có định can thiệp vào vụ Mạnh Vãn Chu hay không, Tổng thống Donald Trump ngày 11/12 trả lời với Reuters rằng ông "sẽ làm bất cứ điều gì, nếu nó đem lại lợi ích cho quốc gia".
"Nếu tôi nghĩ nó giúp ích cho việc hiện thực hóa một thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử, điều vô cùng quan trọng, hoặc tốt cho an ninh quốc gia, tôi chắc chắn sẽ can thiệp nếu cảm thấy cần thiết", ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.
“Nguy hiểm đặt ra là hậu quả không thể lường trước được khi một công dân Mỹ ở nước ngoài có thể bị bắt và trở thành con tin trong đàm phán kinh tế, thương mại”. Michael Zeldin, cựu công tố viên liên bang, người từng giữ vai trò trợ lý đặc biệt cho Mueller khi ông còn làm việc ở Bộ Tư pháp đồng thời cho rằng, với tuyên bố của mình, ông Trump dường như đã “mở đường” cho việc công dân Mỹ ở nước ngoài có thể trở thành món hàng mặc cả trong các “cuộc đấu” thương mại với Washington.
Theo ông Reinsch, nếu Tổng thống Trump không chịu nghe khuyên giải thì Mỹ sẽ gây ra xích mích với chính đồng minh Canada. “Có điều gì đó kỳ lạ khi chúng ta nhìn vào vụ việc này ở thời điểm hiện tại”, Reinsch nói. “Mạnh Vãn Chu không thuộc quyền tài phán của Mỹ. Bà ấy thuộc quyền tài phán của Canada. Can thiệp vào quá trình này cũng đồng nghĩa với việc Tổng thống Trump sẽ phải nói chuyện với Thủ tướng Canada Trudeau – người đã hơn một lần khẳng định vụ việc Mạnh Vãn Chu sẽ tuân theo trình tự tố tụng sở tại. Nếu Trump muốn làm khác, nó sẽ chỉ gây ra tranh cãi với Canada”.
Trên thực tế, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland hôm 12/12 cho biết đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về trường hợp của bà Mạnh. Khi được hỏi về ý kiến của ông Trump, bà Freeland cho biết, Canada không chịu trách nhiệm về hành vi của các quốc gia khác. “Canada sẽ trung thành với thượng tôn pháp luật”, Ngoại trưởng Freeland nhấn mạnh.
Ông Trump phạm “sai lầm chiến thuật”?
Ông William Reinsch nhận định rằng, tuyên bố của Tổng thống không nên là cách mà nước Mỹ hành xử và rằng nếu ông Trump vẫn quyết làm như vậy thì đó sẽ là “một sai lầm chiến thuật”.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ của bang Connecticut Richard Blumenthal cho biết, ông cảm thấy “sự nguy hiểm trong tuyên bố của Tổng thống bởi điều đó giống như việc biến các công cụ thực thi pháp luật thành công cụ chính trị, ngoại giao hoặc thương mại”.
“Nó có thể xuất hiện ở đâu đó tại các quốc gia khác nhưng không phải ở đất nước này. Tuyên bố của Tổng thống thực sự là điều đáng lo ngại đối với tôi. Tổng thống làm cho mọi việc xấu đi và làm xấu cả hình ảnh đất nước trên phương diện thực thi pháp luật”, Thượng nghị sĩ Blumenthal nói.
Theo Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp John Demers, trong trường hợp bà Mạnh Vãn Chu bị dẫn độ khỏi Canada theo như yêu cầu của Mỹ, “vụ án hình sự do chúng tôi điều tra, xử lý sẽ tiếp tục”. Tuy nhiên, ông này từ chối bình luận thêm về vụ việc.
Trong khi đó, Trợ lý Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phụ trách bộ phận phản gián Bill Priestap thì cho biết, cơ quan này sẽ chỉ đơn giản là “tiếp tục thực hiện công việc theo đúng chức trách”.
Bà Mạnh Vãn Chu, con gái người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt hôm 1/12 ở Canada theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc lừa dối các ngân hàng quốc tế, nhằm sử dụng công ty con Skycom để bán thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran, hành động vi phạm lệnh cấm vận thương mại mà Washington áp đặt với Tehran. Tuy nhiên, bà Mạnh phủ nhận bất cứ vi phạm nào.
Trong phiên tòa hôm 11/12 ở thành phố Vancouver, Canada, Thẩm phán William Ehrcke ra phán quyết đồng ý để bà Mạnh tại ngoại với số tiền bảo lãnh là 7,5 triệu USD. Tuy nhiên, bà phải nộp lại hộ chiếu, đeo vòng định vị và có nhân viên an ninh giám sát mỗi khi rời nhà.
Theo nhận định của ông Reinsch, giới chức và dư luận Trung Quốc khó có thể tin việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là phù hợp với trình tự pháp lý theo luật pháp Mỹ. “Họ sẽ tin rằng chẳng có gì liên quan đến một thẩm phán ở New York – người đã ban hành lệnh bắt giữ bà Mạnh hồi tháng 8”, ông nói.
Reinsch – cựu Chủ tịch Hội động Ngoại thương Quốc gia, người có kinh nghiệm lâu năm về quan hệ Mỹ - Trung cho rằng, thay vào đó, người Trung Quốc sẽ coi vụ bắt giữ là “một âm mưu để đạt được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại, một âm mưu gây rối cho Trung Quốc”.
Chính điều đó càng làm cho nhận xét của Tổng thống Trump thêm phần nghiêm trọng. “Tuyên bố của Tổng thống sẽ được coi như lời xác nhận cho những suy đoán của họ [Trung Quốc – ND], rằng nước Mỹ không phải là một quốc gia pháp quyền”, Reinsch kết luận.
Theo VOV
Ông Trump sẵn sàng can thiệp vụ bắt "công chúa" Huawei
Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố sẵn sàng can thiệp vào vụ bắt con gái kiêm giám đốc tài chính của Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei.
Vì sao vụ 'công chúa' Huawei thổi bùng căng thẳng Mỹ-Trung?
Không chỉ khoét sâu bất đồng giữa hai nước trong các vấn đề như thương mại, công nghệ và an ninh mạng, vụ việc còn đẩy "cuộc đối đầu" Trung Quốc - Mỹ ngày càng đi xa.
Tiết lộ về Phó Chủ tịch, con gái nhà sáng lập Huawei vừa bị bắt tại Canada
Giống như nhiều Giám đốc điều hành hàng đầu ở Trung Quốc, Mạnh Vãn Châu là một nhân vật bí ẩn, ngay cả tại đất nước của bà.