Hà Tĩnh trước đây cũng muốn làm sân bay, nhưng rồi thấy Quảng Bình có sân bay rồi thì Hà Tĩnh thôi, có thể dùng chung hạ tầng...

Đó là ý kiến của ông Võ Kim Cự - nguyên Chủ tịch UBND Hà Tĩnh, thành viên Ủy ban kinh tế Quốc hội tại phiên họp thẩm tra dự án Luật quy hoạch, chiều 5/9.

{keywords}

Ông Võ Kim Cự phát biểu tại phiên họp. ảnh: TTO

Chỉ ra tình trạng tỉnh chỉ biết lo quy hoạch tỉnh, ngành chỉ biết lo quy hoạch ngành không có sự liên kết, kết nối với nhau dẫn tới tình trạng quy hoạch rất tùy tiện. tỉnh nào cũng bia, cảng biển, sân bay, khu công nghiệp... trong nông nghiệp thì có chuyện dứa, mía đường... rất lãng phí nguồn lực.

“Tỉnh nào cũng đòi có cả công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ cao, rồi sân bay… thì làm sao được? Chẳng có nước nào phát triển như vậy được. Tôi ở Hà Tĩnh trước đây cũng muốn làm sân bay, nhưng rồi thấy Quảng Bình có sân bay rồi thì Hà Tĩnh thôi, có thể dùng chung hạ tầng” - Tuổi trẻ dẫn lời ông Cự nói.

Từ thực tiễn trên, vị ĐBQH Hà Tĩnh đánh giá, quy hoạch muốn vào cuộc sống thì người dân phải được biết, xã hội phải được biết, chứ hỏi quy hoạch mà lục tủ mấy ngày mới tìm thấy thì… chết.

“Phải bỏ tư duy nhiệm kỳ thì đất nước mới phát triển được. Cán bộ có nhiệm kỳ chứ quy hoạch thì không nên có nhiệm kỳ. Quy hoạch mà cứ 3 năm bổ sung, 5 năm điều chỉnh thì không được, nó tạo ra kẽ hở như các đồng chí nói là xin - cho”, ông Cự phát biểu.

Cũng thừa nhận tình trạng quy hoạch còn thiếu gắn kết, không thống nhất, mâu thuẫn... Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông cho biết đến nay có hơn 18.000 quy hoạch các loại ở các cấp nhưng chất lượng không tương xứng. Theo ông Đông quy hoạch nhiều nhưng không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Thứ trưởng Đông đặc biệt lưu quy hoạch rất dễ bị sửa, điều chỉnh, dẫn đến tính hiệu lực kém, dễ xin - cho. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành. Ông lấy ví dụ có khu vực đô thị quy hoạch khu vực thấp tầng, nhưng nhờ quan hệ nào đó mà người ta có thể sửa quy hoạch, cho xây cao tầng, bất chấp hệ lụy về cơ sở hạ tầng, xã hội xung quanh.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh, Luật sửa đổi sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập nói trên.

Theo dự kiến, dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội xem xét vào tháng 10 tới, tuy nhiên, tại phiên họp trù bị, nhiều ý kiến lo ngại về thời gian thảo luận quá ngắn, không đảm bảo yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu cho rằng, dự án Luật Quy hoạch, Luật kinh doanh nếu chỉ bố trí nửa ngày, thì theo Phó chủ tịch Uông Chu Lưu, cũng sẽ chỉ lớt phớt.

Trong khi các lãnh đạo chủ chốt khác của Quốc hội đều lo lắng vì thời gian gấp rút nhưng vẫn chưa nhận được văn bản nào của Chính Phủ về dự luật nói trên.

Về phần các đại biểu thì tỏ ra lo lắng trước hàng loạt những dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu. Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý nói, Thủ tướng nói dứt khoát không lấy tiền thuế của dân để bù lỗ cho doanh nghiệp. Nhưng danh sách các dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu thì dài ra, và có những doanh nghiệp lại xin cơ chế, tức là xin tiền.

Ông Tuý đề nghị cần có thái độ sớm, phân biệt những công trình nào thuộc diện cần thiết phải duy trì và những dự án nào dứt khoát không dùng tiền ngân sách Nhà nước để “nuôi” nữa.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì hiện có bao nhiêu dự án nghìn tỷ đang “đắp chiếu” và đang thua lỗ, nằm ở đâu, trách nhiệm thế nào, khắc phục ra sao thì Quốc hội phải biết. Dự án bauxite Tây Nguyên cũng cần xem lại.

(Theo Báo Đất Việt)