Tại chương trình “Cà phê doanh nhân” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức hôm qua, 1/10, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam không thể trở thành nơi mà các nhà đầu tư nước ngoài đến chỉ vì tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ hay tài nguyên. Đây là điều rất đau khi đề cập đến. 

Theo nguyên Chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp FDI phải đến Việt Nam vì đây là một đất nước của khởi nghiệp, sáng tạo. Dòng vốn FDI hấp thụ vào nền kinh tế nội địa không thể như việc nhận viện trợ được, các doanh nghiệp đến và phải hợp tác cụ thể hơn với nền kinh tế Việt Nam.

Ông Lộc dẫn chứng, những năm qua, Việt Nam không thực hiện được mong muốn đầu tiên của những người đã phác họa ra kế hoạch thu hút FDI của đất nước. Trước đây, Ủy ban chuyên trách về thu hút vốn FDI của Việt Nam có tên là Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư, ngoài chữ “đầu tư” thì còn phải có cả chữ “hợp tác”.

Chi phí nhân công rẻ là một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (ảnh: Hoàng Hà)

Việt Nam mong muốn doanh nghiệp FDI tới để hợp tác chứ không phải vào để xây dựng mô hình khép kín trong nền kinh tế Việt Nam như những ốc đảo. Đến ngay cả suất ăn công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng mang doanh nghiệp vừa vào nhỏ của họ vào để làm, cung cấp cho các dây chuyền sản xuất FDI. Họ không sử dụng cũng như hợp tác với các công ty vừa và nhỏ của Việt Nam.

Trong khi đó, thế giới đã khác, khái niệm “hội nhập và tự do” được thay bằng “hội nhập, tự do và công bằng”. Sự công bằng là rất quan trọng. Chủ nghĩa dân tộc cũng đang trỗi dậy ở mỗi quốc gia, yêu cầu về tăng tính tự cường của mọi nền kinh tế đều được đẩy mạnh. Việt Nam hơn lúc nào hết cần phải đẩy mạnh điều này. Còn hiện nay, kinh tế Việt Nam đang dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Tính tự chủ, tự cường trong phát triển của giới chủ doanh nghiệp còn hạn chế, một phần do sự chèn ép đến từ khu vực FDI.

“Nếu Việt Nam không sử dụng khu vực FDI như một động lực để giúp chúng ta đổi mới công nghệ, thì quá trình phát triển dòng vốn đầu tư nước ngoài không lan tỏa, không liên kết với nền kinh tế nội địa. Từ đây, chúng ta sẽ không thể nào phát triển được cộng đồng doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Cần thêm những bộ lọc FDI

Từ những lý do trên, ông Lộc nhấn mạnh rằng chính sách thu hút đầu tư cần thay đổi. "Việt Nam đã có Nghị quyết 50 về hợp tác, đầu tư nước ngoài thì lúc này phải có thêm bộ lọc FDI. Nhà chức trách đề ra những tiêu chuẩn, quy định để giới doanh nghiệp FDI khi hoạt động tại Việt Nam phải gắn kết chặt với nền kinh tế trong nước", ông nhấn mạnh. “Nếu Việt Nam không sử dụng khu vực FDI như một động lực để giúp chúng ta đổi mới công nghệ, thì quá trình phát triển dòng vốn đầu tư nước ngoài không lan tỏa, không liên kết với nền kinh tế nội địa. Từ đây, chúng ta sẽ không thể nào phát triển được cộng đồng doanh nghiệp”.

Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần được nâng cấp về hệ thống quản trị, nâng cấp kỹ năng người lao động Việt Nam để có thể hợp tác một cách bình đẳng, cùng có lợi với doanh nghiệp FDI. Đây là việc rất quan trọng, không thể biến nền kinh tế Việt Nam là không gian cho giới đầu tư nước ngoài đến khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nên phải chấp nhận lép vế trước FDI. Dẫu vậy, để một nền kinh tế có thể trường tồn, đừng “khởi nghiệp” nữa mà hãy “kiến thiết”. Công cuộc kiến thiết có thể do giới doanh nhân thực hiện và họ phải có trách nhiệm với thị trường gần 100 triệu dân trong nước. 

“Phải có trách nhiệm để kinh tế phát triển chứ không thể để như thị trường vốn hiện nay. Thị trường bị méo mó, từ bản chất kênh dẫn vốn đang bị giờ chứng khoán hóa. Trong khi vốn là kênh quan trọng giúp doanh nghiệp Việt có thể ra biển lớn”, Chủ tịch TTC nêu ví dụ.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9 gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 thì con số ước đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong vòng 5 năm qua và bằng 16,8% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của 9 tháng năm 2022.