Theo CNN, trong ngày 12/7 (giờ địa phương), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng ca ngợi sự hiểu quả của các hệ thống tên lửa hiện đại phương tây, sau khi thành công tiêu diệt một kho đạn dược của Nga.

"Phe chiếm đóng đã cảm nhận được sức mạnh của hệ thống tên lửa hiện đại. Họ sẽ không có một khu vực hậu cần nào nằm ngoài tầm bắn của Ukraine nữa", ông Zelensky cho biết.

Ảnh chụp vệ tinh sau khi HIMARS đánh trúng kho đạn ở Nova Kakhovka. Ảnh: Planet Labs

Nhận xét của Tổng thống Ukraine được đưa ra sau khi lực lượng vũ trang nước này thành công tiêu diệt một kho đạn ở Nova Kakhovka, cách Kherson gần 60km. Các video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, kho đạn đã bốc cháy dữ dội sau những tiếng nổ lớn.

Một quan chức Ukraine cho biết, cuộc tấn công nhắm vào kho đạn ở gần Kherson sử dụng hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ tài trợ. Cùng với hệ thống này và các loại vũ khí khác do phương Tây sản xuất, Ukraine đã thành công đánh trúng nhiều mục tiêu bên trong phần lãnh thổ mà Nga đang nắm quyền kiểm soát.

Mỹ và EU tiếp tục viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine

Theo Guardian, trong ngày 12/7, các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu đã phê duyệt gói viện trợ tài chính trị giá hơn một tỷ USD, nằm trong cam kết hơn 9 tỷ USD giải cứu Ukraine.

"Số tiền này sẽ giúp Kiev trang trải các nhu cầu cấp bách và đảm bảo hoạt động của cơ sở hạ tầng quan trọng", một quan chức EU cho hay.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AP

Gói viện trợ hơn một tỷ USD mà các bộ trưởng thông qua là phần đầu tiên trong gói giải cứu hơn 9 tỷ USD mà các lãnh đạo EU hồi tháng 5 cam kết chuyển cho Ukraine. Một số quan chức EU tiết lộ,  phần còn lại của gói giải cứu chưa được phê duyệt, khi một số quốc gia thành viên vẫn tranh cãi về việc liệu một quốc gia xung đột có thể đảm bảo được các khoản vay dài hạn hay không.

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo sẽ chuyển thêm 1,7 tỷ USD viện trợ kinh tế cho Ukraine. Giống với EU, khoản viện trợ của Mỹ cũng nằm trong một gói cứu trợ trị giá 7,3 tỷ USD.

"Khoản hỗ trợ này sẽ giúp chính phủ Ukraine cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân", Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết.

Ukraine bắt đầu xuất khẩu ngũ cốc từ cảng sông Danube

Theo Guardian, Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, những chuyến tàu xuất khẩu ngũ cốc đầu tiên từ cảng sông Danube đã hạ thủy thành công.

"Trong 4 ngày qua, đã có 16 tàu đi qua cửa sông Bystre, chúng tôi hi vọng sẽ duy trì được tốc độ này", Thứ trưởng Yuriy Vaskov nói.

Cũng theo ông Vaskov, 16 tàu chở ngũ cốc này sẽ được chở tới nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra, còn 90 tàu khác đang chờ để đi qua kênh Sulina của Romania.

Ukraine đang đàm phán với Romania và đại diện của Ủy ban châu Âu để tăng mật độ tàu đi qua kênh Sulina lên 8 tàu mỗi ngày, thay vì chỉ 4 như hiện tại. Nếu Romania đáp ứng yêu cầu này, tình trạng tắc nghẽn tàu sẽ kết thúc trong vòng một tuần và sản lượng xuất khẩu ngũ cốc hàng tháng sẽ tăng 500.000 tấn.

Cơ quan vũ trụ châu Âu hủy hợp tác với Nga

Theo CNN, trong ngày 12/7, Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã ra thông báo chính thức về việc hủy hợp tác với Nga trong sứ mệnh sao Hỏa.

Tàu thăm dò sao Hỏa ExoMars Rover. Ảnh: CNN

Cụ thể, tàu thăm dò ExoMars Rover, vốn sẽ lên đường tới sao Hỏa vào tháng 9 năm nay, nhưng do ảnh hưởng từ "hoạt động đặc biệt" của Nga, việc này gần như sẽ không xảy ra. Trước đó, ESA cũng đình chỉ hợp tác với Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) vì các lệnh trừng phạt kinh tế.

Sứ mệnh sao Hỏa ExoMars ban đầu được lên kế hoạch cho năm 2020 nhưng đã bị hoãn lại do đại dịch COVID-19. Sứ mệnh này được ấn định để phóng vào tháng 9 tới từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan bằng tên lửa Proton của Nga, sau đó hạ cánh xuống sao Hỏa bằng tàu đổ bộ Kazachok của Nga.

Việt Dũng