Theo The Guardian, lệnh tình trạng khẩn cấp trên sẽ cho phép quân đội can thiệp vào các cuộc biểu tình để duy trì trật tự, cũng như đình chỉ một số quy định trong Hiến pháp Peru như cho phép người dân tự do đi lại và tụ họp. 

Binh sĩ Peru được triển khai ở thủ đô Lima hồi giữa tháng 12/2022. Ảnh: AP

“Tuy nhiên, các cơ quan chức năng sẽ cho mở cửa trở lại sân bay quốc tế Cusco bởi nơi này nắm vai trò quan trọng trong lĩnh vực du lịch của Peru”, thông cáo từ chính quyền Lima viết.

Trước đó vào tối 13/1, Tổng thống Peru Dina Boluarte khẳng định bản thân sẽ không từ chức trước sức ép từ các cuộc biểu tình của những người ủng hộ người tiền nhiệm Pedro Castillo.

“Những lời kêu gọi tôi từ chức đến từ các phe phái bạo lực và cực đoan đang kích động người dân gây bạo động. Các cuộc biểu tình theo thời gian đã biến thành bạo loạn. Tôi thay mặt chính phủ xin lỗi về những trường hợp thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, nhưng tôi sẽ không từ chức”, bà Boluarte phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia Peru.

Peru đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi Tổng thống Pedro Castillo hôm 7/12 bị phế truất khi tìm cách giải tán Quốc hội để thành lập “chính quyền khẩn cấp”.

Ngay sau khi ông Castillo bị phế truất, Phó Tổng thống Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức. Trên cương vị mới, bà Boluarte đã kêu gọi ngưng các cuộc xung đột chính trị để đất nước có thể vượt qua khủng hoảng, đồng thời tuyên bố nội các mới sẽ bao gồm tất cả các thành phần chính trị. Bà cũng chỉ trích hành động tìm cách giải tán Quốc hội của ông Castillo trước đó là “một nỗ lực đảo chính”.