Khoảng 200 độc giả từ thanh niên đến người già đã đến thư viện TT văn hóa Pháp chiều 04/01, lắng nghe dịch giả Phạm Vĩnh Cư nói chuyện về tư tưởng của M. Bakhtin -  nhà triết học Nga lỗi lạc và từng bị lãng quên cuối thế kỉ 20. 

Những người không ưa việc sử dụng bạo lực hẳn rất nóng lòng muốn biết về tinh thần chính của "Lý thuyết đối thoại" - thứ đang trở thành xu hướng quan trọng của thế kỉ tiếp theo. Đã có hàng trăm công trình bàn về lý thuyết này nhưng nó hầu như ít được biết đến ở Việt Nam. Được đánh giá cao ở phương Tây, lý thuyết đối thoại đóng một vai trò tích cực và không thể thiếu trong đời sống văn minh xã hội. 

Nghe dịch giả, PSG Phạm Vĩnh Cư diễn giải về "lý thuyết đối thoại" (04/01)

Mikhail Mikhailovich Bakhtin (1895-1975) vốn là nhà ngôn ngữ, nhà triết học lừng lẫy của Nga trên trường quốc tế. Trong suốt cuộc đời mình, mặc dù phải chiến đấu với bệnh tật, những định kiến chính trị cũng như những rào cản nhận thức của thời đại, M. Bakhtin vẫn để lại một di sản khoa học xã hội-nhân văn đồ sộ. Một số tác phẩm của ông đã được xuất bản tại Việt Nam như "Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki", " Lí luận-phê bình văn học thế giới thế kỷ XX", "Lý luận và thi pháp tiểu thuyết".

 

Lý thuyết về đối thoại chia làm 4 khu vực: Trong ngưỡng (con người với con người), trên ngưỡng (con người với thế giới động vật), trước ngưỡng - tiền ngưỡng (con người với tự nhiên khoáng vật và thực vật) và siêu ngưỡng (con người đối thoại với vũ trụ, tâm linh).


Dịch giả, PGS Phạm Vĩnh Cư là người dịch và giới thiệu nhiều phần trong hệ thống lý thuyết đối thoại của Bakhtin. Ông cho rằng đối thoại là thuộc tính cơ bản của sự tồn tại con người. Tuy nhiên có không phải đối thoại nào cũng là đối thoại thực sự. Bên cạnh "đối thoại thực sự" còn có "đối thoại hình thức" (một dạng đối thoại kĩ thuật thường gặp trong đàm phán hay những cuộc trò chuyện, trao đổi có mục đích ngầm), và "phi đối thoại, độc thoại trá hình".

Đối thoại thực sự, thấu triệt thì không bao giờ có thể hoàn kết. Đó là một cuộc trao đổi liên tục nhằm thấu hiểu và tìm ra những phát hiện mới. Đây là một tiêu chí để đánh giá một cuộc trò chuyện có đó phải là đối thoại thật hay không - hay đó chỉ là cuộc đối thoại dởm, đối thoại hình thức... Và mọi tiếng nói trong đối thoại thực sự đều bình đẳng. 

Nhiều nhà triết học trong đó có M. Bakhtin đã phản bác lại Friedrich Hegel (đại biểu xuất sắc của triết học cổ điển Đức, người xây dựng nên phép biện chứng duy tâm, được cho là bảo thủ và khép kín). Trong khi Hegel sử dụng phương pháp độc thoại (dialectique) - đơn nguyên, thì Bakhtin và nhiều người nữa sau này phát triển thuyết đối thoại (dialogue) - đa nguyên.

Độc giả hỏi - đáp lại buổi tọa đàm

Lê Ngọc Sơn, một độc giả trẻ tuổi dẫn ra cuốn "Căn tính và bạo lực" (NXB Tri Thức, 2012) và đặt câu hỏi "Phải chăng bạo lực nằm sẵn trong bản chất con người? Làm thế nào để phát triển sự đối thoại trong đời sống xã hội VN, khi mà văn hóa giao tiếp đã trở nên đáng báo động bởi vấn nạn sử dụng bạo lực?"

Dịch giả Phạm Vĩnh Cư trả lời: "Đối thoại theo nghĩa gốc là để loại trừ bạo lực. Bởi vậy có đối thoại thì không có bạo lực. Phải xây dựng văn hóa đối thoại dù vô cùng khó khăn. Bản năng quyền lực, bản năng thống trị, bản năng phục tùng... vốn mạnh hơn trí tuệ và sự minh triết. Nhưng muốn đạt được sự minh triết thì phải thông qua đối thoại. 

Mỗi một cá thể phải phát triển thành ngã thể (nhận thức về sự tồn tại, tính duy nhất của bản thân). Giữa các ngã thể mới có đối thoại thực thụ, bài trừ ngôn ngữ bạo lực, ngôn ngữ áp chế. Mỗi một cố gắng nhỏ bé của chúng ta có thể thất bại trong một không-thời gian nhỏ, nhưng nhìn ở không-thời gian lớn hơn, có khi lại gom góp được một kết quả nào đó.

Những người thuần dưỡng động vật họ có thể đối thoại được với động vật, cho chúng nhận biết sự yêu thương. Vậy tại sao con người không đối thoại được với nhau?". 

Dịch giả cho rằng: "Người Việt khi tư duy không có chiều kích hướng thượng, đi đến tận cùng, triệt để (siêu ngưỡng), chỉ quen sống và tư duy trên mặt bằng. Nếu luôn nhớ đến tính đối thoại đòi hỏi ở cấp cao nhất, tận cùng, thì sẽ giúp đỡ cho nhiều lắm".

"Nếu người Việt luôn nhớ đến tính đối thoại ở mức cao nhất, tận cùng, thì sẽ giúp đỡ cho nhiều lắm".

Hồ Hương Giang
Ảnh: Angellittlefire