Chúng ta không nên áp mô hình của một nước tiên tiến hay một mô hình mà ta dự định xây dựng trong tương lai xa vào cho hiện tại.

Đây là quan điểm của PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương trước những tranh luận về Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ theo Thông tư 18/2021 của Bộ GD-ĐT. VietNamNet trân trọng giới thiệu với độc giả:

{keywords}
PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương tại Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2021. Ảnh: NAG Nguyễn Á

Quy chế về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GD-ĐT mới ban hành (và dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/8/2021) đã gây xôn xao trong giới khoa học, trong đó có nhiều ý kiến phản biện về việc ‘hạ chuẩn’ đầu ra của tiến sĩ.

Đặc biệt, ngày 15/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu các ý kiến góp ý, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng ‘nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ’.

Tôi có một số ý kiến đóng góp về tiêu chuẩn đầu ra của việc đào tạo tiến sĩ như sau:

Cần đi thẳng vào hiện trạng giáo dục

Như chúng ta biết, Thông tư có nội dung và mục đích nhằm hướng dẫn, giải thích chi tiết, cụ thể những quy định chung trong các văn bản pháp luật, có hiệu lực 45 ngày sau khi ban hành; và thời gian hiệu lực của Thông tư có thể chỉ 4 năm (như trường hợp ta đang bàn là Thông tư 08/2017 sẽ bị thay thế bằng Thông tư 18/2021 này).

Do đó, Quy chế theo Thông tư 18 sẽ được áp dụng ở ngay hiện tại và trong tương lai gần, chứ không phải ở một tương lai xa, khi ta giả thiết đã có những điều chúng ta muốn xây dựng. Vì vậy, chúng ta nên phân tích việc áp dụng Quy chế trong hiện trạng giáo dục và xã hội ta hiện nay.

So với các nước tiên tiến được không?

Khác với Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ cũ (Quy chế 2017), Quy chế mới (Quy chế 2021) không yêu cầu luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế.

Có ý kiến cho rằng ở các nước tiên tiến, ví dụ như ở Pháp, không có yêu cầu công bố với tiến sĩ. Theo tôi, ta cũng nên xét một cách tổng thể. Trước hết, ở Pháp thầy hướng dẫn luận án tiến sĩ phải có bằng Tiến sĩ khoa học (Habilitation – bằng cấp cao nhất trong khoa học, kết quả của một quá trình tối thiểu 3 năm nghiên cứu cao cấp hơn sau bằng tiến sĩ) – đảm bảo vấn đề từ gốc là thầy hướng dẫn đã có kinh nghiệm và thành tích nghiên cứu. Trong khi đó, Quy chế mới của ta đã ‘hạ chuẩn’ so với Quy chế cũ khi không yêu cầu thầy hướng dẫn phải có công bố quốc tế. Ngoài ra, luận án ở Pháp được hai phản biện đánh giá với các tiêu chí cao - hầu hết các kết quả nghiên cứu trong luận án đã được gửi đi và sớm được công bố trên các tạp chí hay hội thảo khoa học uy tín.

Việc đánh giá luận án tiến sĩ ở Pháp hay nhiều nước tiên tiến là do cộng đồng khoa học đánh giá và đáng tin tưởng vì đó đã là một cộng đồng khoa học phát triển. Cộng đồng khoa học của chúng ta đã đủ phát triển chưa khi mà trong tấm bằng tiến sĩ của Pháp ghi đầy đủ tên các thành viên Hội đồng với quan trọng nhất là hai phản biện; còn ở ta, để tránh tiêu cực, tên của hai phản biện độc lập mãi mãi là bí ẩn với mọi người?

Đề xuất công khai tên của phản biện độc lập là rất hợp lý; nhưng chừng nào trong Quy chế chưa quy định những điểm mới như vậy, thì chúng ta vẫn phải xây dựng các điều khoản dựa trên các quy định cũ.

Có một số ý kiến cho rằng với Quy chế này, chúng ta vẫn có thể đạt được chuẩn mực cao bằng cách nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước, giới hạn danh sách các tạp chí được Hội đồng Giáo sư công nhận. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện dài, của tương lai xa, chứ chưa thể áp dụng ngay vào trong Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/8 này.

Chính vì cộng đồng khoa học của chúng ta chưa đủ phát triển như vậy nên để có thể tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, chúng ta cần chấp nhận một số chế tài quy định các điều kiện hội nhập quốc tế. Do đó, để có thể nâng cao chất lượng, chúng ta chưa thể 'hạ chuẩn' đầu ra.

Một trong những băn khoăn của nhiều người là có thể có những ngành/chuyên ngành mà khó để công bố quốc tế thì ý kiến “đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, bảo đảm chất lượng”, có lẽ là thỏa đáng.

Có thực sự tự chủ tích cực?

Với các quy chế trước đây, từng cơ sở đào tạo vẫn có thể giữ nguyên chuẩn đầu ra hoặc nâng cao lên (như Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam). Vậy thì vấn đề tự chủ về công nhận trình độ tiến sĩ sẽ tạo điều kiện để những cơ sở đào tạo chưa đạt được chuẩn đầu ra như trước đây sẽ có chuẩn đầu ra thấp hơn?. Liệu chúng ta có thể tin rằng ở các cơ sở đạo tạo đó, các bằng tiến sĩ sẽ tiếp cận được chuẩn mực quốc tế? Và liệu chúng ta có thể chắc rằng xã hội sẽ phân biệt được bằng tiến sĩ của trường nào có giá trị hơn trường nào và chính thị trường sẽ đào thải các bằng tiến sĩ kém chất lượng?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét thực tế bằng tiến sĩ ở Việt Nam được sử dụng như thế nào? Tôi rất chia sẻ với ý kiến của GS Ngô Việt Trung rằng: Các cơ quan nhà nước hay các cơ sở đào tạo (công hay tư) là những nơi chủ yếu sử dụng bằng tiến sĩ như một yếu tố để nâng cao vị trí công tác; trong đó có nhiều nơi chỉ quan tâm đến tấm bằng chứ không sử dụng trình độ nghiên cứu của tiến sĩ. Vì vậy, có thể nhiều người sẽ tìm đến những nơi đào tạo tiến sĩ dễ dãi để có tấm bằng; và xã hội chưa đủ phát triển để phân biệt và đào thải những bằng tiến sĩ kém chất lượng.

Tóm lại, theo tôi, Quy chế này cần đặt trong hiện trạng của nền giáo dục và nhu cầu sử dụng tiến sĩ của xã hội ta hiện nay. Chúng ta không thể áp mô hình của một nước tiên tiến hay một mô hình mà ta dự định xây dựng trong tương lai xa vào cho hiện tại.

Chúng ta ghi nhận là Quy chế mới đã có một số thay đổi tích cực như: Các cơ sở đào tạo có thể công nhận kết quả học tập lẫn nhau, yêu cầu nghiên cứu sinh sinh hoạt khoa học thường xuyên ở cơ sở đào tạo, có thể tiến tới việc tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo cấp kinh phí cho nghiên cứu sinh. Nhưng điều đó không mâu thuẫn với việc giữ một chuẩn đầu ra tiếp cận với trình độ quốc tế.

Tôi rất mong rằng tới đây Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh Quy chế này để có thể phát huy những mặt tích cực của Quy chế, nhưng không 'hạ chuẩn' đầu ra, nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ.

PGS. Phan Thị Hà Dương

Phó Giám đốc Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu Toán học (Unesco) - Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT từ 0h ngày 26/7

Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT từ 0h ngày 26/7

Từ 0h ngày 26/7, tất cả địa phương sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021. VietNamNet sẽ cập nhật điểm thi tốt nghiệp THPT nhanh nhất để phụ huynh và học sinh tra cứu.

Thạc sĩ, tiến sĩ trong bộ máy công chức

Thạc sĩ, tiến sĩ trong bộ máy công chức

Quả là rất sôi nổi câu chuyện chuẩn mới về tiến sĩ trong mấy ngày này. Khi một chính sách mới của nhà nước ra đời, thật mừng là có các luồng ý kiến đồng tình hay phản bác.

GS Nguyễn Xuân Hùng: 'Công bố quốc tế để hội nhập thế giới'

GS Nguyễn Xuân Hùng: 'Công bố quốc tế để hội nhập thế giới'

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Hùng, nhà khoa học 7 lần liêp tiếp được xếp vào top 1% những nhà khoa học thế giới có ảnh hưởng nghiên cứu trích dẫn cao, thì công bố quốc tế là một cách rất hiệu quả để giáo dục Việt Nam hội nhập với thế giới.

Nguyên Viện trưởng Toán học: 'Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới'

Nguyên Viện trưởng Toán học: 'Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới'

"Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật... cũng không thể ngăn cản được việc cho ra lò các tiến sĩ rởm”.