Chi trả hơn 47 tỷ đồng trợ cấp thất nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc trung tâm cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, để hạn chế các giao dịch trực tiếp, trung tâm đã triển khai tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhận kết quả giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng và nộp hồ sơ chuyển hưởng đi đến, có việc làm, học nghề… của người lao động gián tiếp qua dịch vụ bưu chính công và online (zalo, email).
Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình |
Xác định công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả quá trình giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trung tâm luôn chú trọng nâng cao hiệu quả, công tác tư vấn, giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm.
Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tư vấn cho 15.583 lượt người, tăng 2,55% so với kế hoạch đề ra và giảm 15,5% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã tiếp nhận 3.025 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 23,61% so với cùng kỳ, lao động
nghỉ việc ở địa phương khác về nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (1.498/3.025 người) chiếm 49,52% số lao động nộp hồ sơ tại trung tâm.
Thống kê cho thấy, trong số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, có 91,69% người lao động trước khi nghỉ việc làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài và 51,65% người lao động nghỉ việc phần lớn là lao động phổ thông, không có bằng cấp, chứng chỉ.
Nguyên nhân thất nghiệp phần lớn người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trước thời hạn chiếm 88,48%.
Trước khi nghỉ việc người lao động chủ yếu làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 49,35% và nghề nghiệp chủ yếu là công nhân may giày da, áo quần chiếm 50,76% trên tổng số người nộp hồ sơ.
Trung tâm đã tham mưu cho Sở LĐ-TB-XH ban hành 2.907 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng.
Tăng cường kết nối để hỗ trợ người lao động
Ông Nguyễn Thanh Phương cho biết, vừa rồi trung tâm đã tổ chức 10 hội nghị trực tuyến cho hơn 1.000 người, cung cấp thông tin về các chính sách theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời tư vấn giới thiệu việc làm.
“Từ khoảng tháng 6 trở lại đây, trung tâm cũng tổ chức các phiên giao dịch, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 người trong đó có số lao động ở miền Nam về .
Mặt khác, chúng tôi đã lấy thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương… tham mưu cho lãnh đạo Sở để gửi văn bản về các xã, phường, thông tin cho người lao động tìm kiếm việc làm. Hiện có mấy chục doanh nghiệp tuyển khoảng 100.000 lao động”, ông Phương nói.
Sàn giao dịch việc làm của tỉnh Quảng Bình được duy trì đều đặn trong năm qua |
Tại Quảng Bình, năm nay có khoảng 200 doanh nghiệp luôn tham gia sàn giao dịch việc làm, tuyển gần 7.000 lao động.
“Trước đây thì cả người lao động và doanh nghiệp đến trung tâm, nhưng hiện nay mỗi phiên chúng tôi mời khoảng 4 doanh nghiệp đến, trung tâm sẽ kết nối với 80-100 người lao động vì nhu cầu tuyển dụng ít, có những doanh nghiệp chỉ tuyển 2,3 người. Chỉ có công ty may tuyển nhiều nhưng hiện người lao động đang phân vân giữa việc đi hay ở lại. Mặt khác công ty không có ký túc xá nên chỉ thu hút lao động ở gần.
Vừa rồi trung tâm cũng liên kết với trung tâm dịch vụ các tỉnh phía Bắc để lấy thông tin, Đồng Nai cũng vừa có văn bản đề nghị hỗ trợ đưa người lao động trở lại nhưng dịch còn phức tạp nên di chuyển sợ không đảm bảo”, ông Phương nói thêm.
Trong thời gian qua, Bộ LĐTB-XH cũng thực hiện nhiều giải pháp, các trung tâm DVVL cũng kết nối làm các phiên online.
“Giờ cố gắng cung cấp thông tin chứ chưa đưa ra được lời khuyên cho người lao động vì nếu đưa họ đi có vấn đề gì mình không lường trước được. Những gì trong chức năng nhiệm vụ có thể hỗ trợ người lao động thì chúng tôi đã làm hết sức”, ông Phương chia sẻ.
Một số vướng mắc
Cũng theo ông Phương, bảo hiểm thất nghiệp năm nay sẽ giảm hơn năm ngoái vì người lao động không đưa được thủ tục về, không chốt được sổ bảo hiểm vì lúc đó các cơ quan, doanh nghiệp đóng cửa.
Tuy nhiên, người lao động vẫn được hưởng bảo hiểm theo Nghị quyết 68 (tạm dừng hoặc tạm hoãn hợp đồng) và họ vẫn có thể quay lại doanh nghiệp, đây cũng là hướng tốt.
Người lao động bắt đầu quay trở lại làm việc |
Về vướng mắc, ông Phương thông tin, trong Nghị quyết 68 sau này có bổ sung sửa đổi theo Quyết định số 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì trung tâm DVVL thực hiện nhóm người lao động có giao kết hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hỗ trợ.
“Trung tâm chỉ làm được 4, 5 trường hợp vì trong quy định, người lao động phải đến nộp hồ sơ tại trung tâm DVVL nơi bị chấm dứt hợp đồng. Nghĩa là bị chấm dứt ở Đồng Nai thì phải đến đó nộp chứ không về đây thực hiện được.
Không phải như bảo hiểm thất nghiệp là nộp nơi cư trú, Nghị quyết 68 lại khoanh lại là nộp ở nơi chấm dứt hợp đồng nên nhiều người về đây nhưng không lấy được giấy tờ, họ cũng không quay lại nộp ở đó được nên không đủ điều kiện để hưởng”, ông Phương thông tin thêm.
Được biết, đến cuối năm nay, Quảng Bình phấn đấu tạo việc làm cho 15.500 lao động (đạt 86,1% kế hoạch năm). Có khoảng 2.000 lao động được xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 55,5% kế hoạch năm).
Hải Sâm
Doanh nghiệp “khát” lao động cận Tết
Nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM đã phục hồi sản xuất nhưng vẫn thiếu nhân lực do chưa đủ lao động.