Ngay từ cuối năm 2018, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Hội Người cao tuổi (NCT) đã phấn đấu 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên đến nay mục tiêu vẫn chưa thành hiện thực.
Phấn đấu thêm 1 triệu người cao tuổi có trợ cấp
Chính phủ vừa có Tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). So với Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi. Trong đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng.
Như vậy, với việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu NCT được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT. Nếu điều này thành hiện thực, mục tiêu phủ 100% BHYT cho NCT đã được thực hiện, đồng thời hỗ trợ được rất nhiều NCT có thêm thu nhập.
Theo dự thảo Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), việc xây dựng hệ thống BHXH đa tầng sẽ thỏa mãn 2 mục tiêu. 1-Trợ cấp hưu trí xã hội: Ngân sách nhà nước (NSNN) cung cấp một khoản trợ cấp cho NCT không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng. Có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.
Về bản chất, BHXH cơ bản bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Theo đó, bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn. Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ. Như vậy, ngay từ trẻ nhiều người có thể chuẩn bị hưu cho tuổi già của mình.
Lí giải về khả năng bao phủ BHYT và trợ cấp cho NCT, tờ trình của Chính phủ cho hay, tính đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong đó, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong khi Chính phủ xác định đến năm 2030, phấn đấu khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Như vậy, sau giai đoạn này sẽ có thêm rất nhiều NCT có lương hưu, trợ cấp và đặc biệt là BHYT.
Người cao tuổi nên có trợ cấp hưu trí xã hội
Đáng chú ý tại dự thảo này, nếu Luật BHXH năm 2014 đã quy định về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và Bảo hiểm hưu trí bổ sung, gồm: Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo. Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của NSNN từng thời kỳ.
Nhưng với dự thảo Luật BHXH sửa đổi, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của NSNN từng thời kỳ với xu thế giảm xuống. Cụ thể, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi giảm xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT.
Như vậy, với những người lao động đang trung niên, chỉ cần có thời gian đóng BHXH là 5 năm với mức tiền lương tháng đóng bình quân như hiện nay (mức lương cơ bản), nếu họ không hưởng BHXH một lần mà lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Điều này sẽ giúp hạn chế người rút BHXH 1 lần, tăng số người được hưởng trợ cấp nếu không có lương hưu, qua đó giảm áp lực đáng kể lên hệ thống an sinh xã hội.
Tuy nhiên, để điều này thành hiện thực cũng cần 2-3 năm tới, trước mắt một số địa phương đã thực hiện hỗ trợ 100% BHYT cho NCT tại địa phương trong khi chờ dự thảo Luật BHXH mới được thông qua và đi vào cuộc sống. Ví dụ, BHXH Hà Nội vừa đề xuất hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho NCT Thủ đô, người khuyết tật nhẹ từ 70 đến dưới 80 tuổi trong giai đoạn 2024 - 2025.
Thời gian hỗ trợ mức đóng cho các nhóm đối tượng nêu trên bắt đầu từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách của các quận, huyện, thị xã với số tiền dự kiến hỗ trợ trong hai năm là gần 186 tỷ đồng. Như vậy, nhiều đối tượng khó khăn nói chung, NCT ở Thủ đô nói riêng sẽ được hưởng lợi, chính sách này cũng phù hợp chủ trương đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế. Đây cũng là giải pháp đưa BHYT mở rộng diện bao phủ ở Thủ đô, giúp người dân/ NCT có điểm tựa an sinh quan trọng khi không may bị ốm đau, rủi ro cần đi khám, chữa bệnh.
Không chỉ Hà Nội, chính sách hỗ trợ BHYT cũng được nhiều địa phương khác thực hiện bằng ngân sách địa phương. Như vậy, với quyết tâm chính trị cao như hiện nay, mục tiêu phủ 100% BHYT cho NCT sẽ sớm được thực hiện trong tương lai gần.