Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, xét riêng về 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, các hộ gia đình Việt Nam năm 2023 thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,4%), tiếp đến là trình độ giáo dục người lớn (32,4%), dinh dưỡng (22,8%) và bảo hiểm y tế (19,3%).
Việt Nam hiện là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Do đó, việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều phải được nâng lên yêu cầu cao hơn.
Bảo hiểm y tế - "phao cứu sinh" của người nghèo
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng lên qua các năm, đến nay 93,5% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế (tương đương hơn 93,6 triệu người). Việt Nam cũng triển khai tốt các giải pháp hỗ trợ cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, như mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi; hỗ trợ người cận nghèo 70% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, hỗ trợ đồng chi trả bảo hiểm y tế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.
"Nhờ đó, người nghèo ở Việt Nam có khả năng tiếp cận tốt đến các dịch vụ y tế, kể cả các dịch vụ kỹ thuật cao; góp phần bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Nhiều địa phương đảm bảo hỗ trợ người dân nghèo có thẻ bảo hiểm y tế - "phao cứu sinh" cho người nghèo khi đau ốm phải đi bệnh viện điều trị.
Tại Phú Yên, trong năm 2023, tỉnh đã cấp 16.257 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo; 38.037 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo; ngoài ra cấp 39.525 thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình và 47.210 thẻ BHYT người dân tộc thiểu sống vùng khó khăn và người dân đang sinh sống vùng đặc biệt khó khăn.
Hay tại Bắc Ninh, 100% người nghèo, người cận nghèo đã được cấp thẻ BHYT. Năm 2023, tỉnh đã cấp gần 8.000 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, gần 15.500 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo.
Tại tỉnh Bắc Giang, huyện Lạng Giang đã cấp thẻ BHYT cho hơn 10.000 lượt người nghèo; gần 13.000 lượt người cận nghèo. Với thẻ BHYT được cấp, đã có hơn 25.000 lượt người thuộc nhóm này thực hiện khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện. Trong khi tại huyện Lục Nam, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, UBND huyện này còn vận động cán bộ, đảng viên, hội viên mua thẻ BHYT tặng người mới thoát nghèo và trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tránh tái nghèo...
Theo BHXH Việt Nam, qua 4 năm thực hiện (2020-2023), đã có khoảng 412.724 người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHYT hộ gia đình. Số người được trao tặng thẻ BHYT tăng qua từng năm, cụ thể: năm 2021 là 10.180 người; năm 2022 là 128.338 người (gấp 12,6 lần) và năm 2023 là 274.206 người (gấp 26,9 lần) so với năm 2021.
Việc thực hiện tốt chính sách BHYT đối với người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, được tiếp cận với các dịch vụ, thụ hưởng chính sách khám, chữa bệnh miễn phí, giúp các nhóm đối tượng này vơi bớt gánh nặng mỗi khi đau ốm phải đi viện.
Cần tập trung đầu tư cho y tế cơ sở
Theo nhiều chuyên gia, bù đắp chiều thiếu hụt trong chăm sóc y tế, sức khoẻ với người nghèo, cận nghèo, cần tập trung nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, nhằm bao phủ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân nói chung, người nghèo và cận nghèo nói riêng.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) khi phát biểu thảo luận trên hội trường Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về nguyên nhân tái nghèo, cho rằng bên cạnh nhiều yếu tố khách quan như ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai…, thì còn do thiết kế nội dung các dự án cấu thành của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Theo ông, chương trình có 7 dự án thành phần nhưng chưa có dự án nào cụ thể nhằm nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân ở những địa bàn khó khăn.
Sau nhiều chuyến đi thực tế ở vùng sâu vùng xa, ông Hiếu chỉ ra một lý do phổ biến dẫn đến tái nghèo, thậm chí cả đại gia đình bị túng quẫn, đó là chi phí y tế cho các bệnh hiểm nghèo.
Các bệnh lý phổ biến như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… cần điều trị thường xuyên. Nếu được dùng thuốc tốt, chăm sóc đúng cách, tỷ lệ bệnh trở nặng sẽ nhỏ và hoàn toàn khống chế được. Nhưng hiện nay do nguồn lực cho y tế cơ sở hạn chế nên việc điều trị có rất nhiều bất cập, hiếm có cơ sở y tế xã nào có thể quản lý tốt các bệnh này.
Điều này dẫn đến một bất cập khác là tỷ lệ bệnh nhân bị biến chứng gặp rất cao ở các địa phương nghèo. Khi một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh, tất cả tiền dự trữ trong nhà "đội nón ra đi", chưa kể phải vay mượn khắp nơi. Tới lúc ra viện, người bệnh về nhà kèm theo tàn phế, không còn khả năng lao động, lại cần người chăm sóc đã tạo nên gánh nặng cho cả đại gia đình, khiến họ "nghèo càng nghèo thêm". PGS Lân Hiếu đề nghị Quốc hội lưu ý hơn nữa bố trí nguồn lực tương xứng cho hệ thống y tế cơ sở.
Thực tế, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhiều lần nhìn nhận mặc dù các chỉ số sức khỏe chung là khá tốt, nhưng sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền và giữa các nhóm dân cư ngày càng gia tăng. Tình trạng sức khỏe nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn kém, đặc biệt là các chỉ số về tỷ lệ tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng... Bà Lan coi đây là thách thức, khó khăn cho công tác y tế nước nhà.
Hệ thống y tế và công tác chăm sóc sức khỏe đang tập trung nhiều tới điều trị cho người bị bệnh tại các cơ sở y tế, trong khi phân tích về nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho thấy chỉ khoảng 20% người dân bị bệnh cần phải nhập viện, còn lại là 80% người dân bị mắc bệnh nhẹ hoặc chưa có bệnh chỉ cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế, việc cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu lại chưa được thực hiện tốt. Năng lực cung ứng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã còn hạn chế do thiếu nhân lực, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế hạn chế, trang thiết bị y tế nghèo nàn, thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Cùng đó, việc triển khai chương trình phòng, chống bệnh không lây nhiễm chưa đáp ứng được nhu cầu, chủ yếu mới chỉ chú trọng tới điều trị, chưa tập trung vào kiểm soát các yếu tố nguy cơ để dự phòng bệnh cũng như theo dõi, quản lý bệnh tăng huyết áp tại trạm y tế xã còn chưa tốt. Đây là những thách thức trong công tác cải thiện chất lượng chăm sóc y tế đối với hộ nghèo, cận nghèo cần được các địa phương quyết liệt khắc phục.