Thời gian vừa qua, khoa Chấn thương Chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng để chơi.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam (16 tuổi, Bắc Giang) vào viện trong tình trạng vết thương bàn tay trái phức tạp. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân chơi pháo tự chế.
Khi nam sinh đang cầm trên tay, bất ngờ pháo phát nổ gây nát bàn tay trái và chân phải. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện ở địa phương để được cầm máu, sau đó chuyển Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam 15 tuổi trú tại Nam Định. Nam sinh này bị nát bàn tay phải, gãy đốt một ngón tay phải, vết thương chảy máu phức tạp, bờ nham nhở, lộ cân cơ do pháo.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt lọc vết thương, chỉnh trục các ngón, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương. Hiện tại sau cấp cứu, điều trị, hai bệnh nhân tỉnh táo, các ngón tay hồng…
Ths.BS Nguyễn Điện Thanh Hiệp, khoa Chấn thương Chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình cho biết: “Pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da. Hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo”.
Cứ vào thời điểm gần Tết, các vụ việc, tai nạn liên quan tới pháo tự chế lại tiếp tục gia tăng, để lại nhiều hậu quả khôn lường về tính mạng và sức khỏe. Người bị tai nạn thường là học sinh - những em đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết.
“Trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo. Chúng ta không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ”, bác sĩ Hiệp khuyến cáo thêm.