Hiện tại, dân số Việt Nam là trên 100 triệu người với mức sinh giảm nhanh và thấp, dần bước sang giai đoạn già hóa. Mức sinh thấp tác động trực tiếp và sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa, suy giảm quy mô dân số. Tình trạng này cũng tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, xây dựng Hội Người cao tuổi Việt Nam đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Mới đây, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Tọa đàm Phát huy vai trò người cao tuổi trong giáo dục đạo đức, lối sống gia đình thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tham gia thảo luận, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi.

Tại buổi tọa đàm, ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống gia đình không thể thiếu vai trò của người cao tuổi.  Từ những gì đã trải qua trong các giai đoạn lịch sử, xã hội, người cao tuổi đã tích lũy được rất nhiều vốn quý về văn hóa, truyền thống dân tộc, kinh nghiệm sản xuất cũng như đạo đức, lối sống để truyền thừa cho các thế hệ con cháu.

Tọa đàm đã nhận diện vai trò của ông, bà trong việc nuôi dưỡng và truyền thụ kinh nghiệm nhằm hình thành, phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ; vai trò của người cao tuổi trong việc xây dựng văn hóa gia đình, gia đình kiểu mẫu, tộc họ văn hóa; những giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người cao tuổi trong giáo dục đạo đức, lối sống gia đình…

Những đứt gãy thế hệ

Việt Nam vốn gắn liền với mô hình gia đình “tứ đại đồng đường”, nơi mà cuộc sống của người cao tuổi trong gia đình luôn đóng một vai trò quan trọng. Lợi ích lớn nhất của mô hình đa thế hệ sống trong cùng một mái nhà chính là tình cảm. Khi ông bà đến tuổi về hưu, ở nhà giúp con cháu một số công việc trong gia đình sẽ thấy mình là người có ích hơn. Mặt khác, việc ở cạnh con cháu cũng giúp người già yêu đời và an tâm hơn. Còn với những người trẻ, việc sống chung với ông bà sẽ giúp mỗi người phát triển hoàn thiện, sống tình cảm hơn, biết yêu thương, quan tâm chăm sóc những người lớn tuổi khi họ ốm đau. 

Một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nhiều thế hệ sẽ được kế thừa và thẩm thấu những giá trị truyền thống. Khi ra ngoài xã hội, trẻ biết cách ứng xử với người trên, người dưới. 

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của kinh tế và ảnh hưởng của cuộc di dân từ nông thôn ra thành thị, mô hình gia đình hạt nhân chỉ có bố mẹ và con trẻ đang ngày càng phổ biến. Lớn lên trong một gia đình thiếu vắng ông bà, họ hàng bên cạnh, con trẻ sẽ thiếu nhiều tri thức sống, đồng thời đẩy người cao tuổi vào cảnh cô đơn hơn.

Chính vì lẽ đó, với sự quan tâm đúng mực về chương trình người cao tuổi, củng cố các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ giúp xây dựng một gia đình lành mạnh, mang lại hạnh phúc cho tất cả các thành viên thuộc mọi thế hệ.

người cao tuổi.jpg
Một gia đình hạnh phúc là nơi có niềm vui và sự an toàn dành cho người cao tuổi. 

Hành động cụ thể

Hướng tới mục tiêu phát huy vai trò người cao tuổi trong gia đình và xã hội, tỉnh Quảng Nam yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội người cao tuổi các cấp, các mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

Cạnh đó, Sở VH-TT&DL đề nghị các địa phương biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả trong các phong trào "Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền", "Tuổi cao - Gương sáng", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Gia đình văn hóa", "Tộc họ văn hóa"…

Quảng Nam hiện có 241 hội người cao tuổi xã, phường, thị trấn; 197.883 hội viên người cao tuổi, 778 câu lạc bộ của người cao tuổi hoạt động thường xuyên và hiệu quả, gồm câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, thể dục tâm thể; câu lạc bộ thơ, văn nghệ, hò vè, chèo bả trạo, đàn hát dân ca, bài chòi, tuồng cổ; câu lạc bộ ông bà mẫu mực…

Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 209 hội người cao tuổi cấp xã được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi với tổng số quỹ vận động được hơn 10 tỷ đồng.

H.An, Ngọc Tuân, Hồng Hạnh, Võ Thu, Bảo Phùng