Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CQ năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bên cạnh các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như cải cách thể chế; tái cơ cấu nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động; áp dụng kỹ thuật số; đô thị hóa; thì việc thúc đẩy giải ngân và phát huy hiệu quả của vốn đầu tư công là động lực rất quan trọng trong bối cảnh khó khăn, nhiều bất trắc của kinh tế thế giới, khu vực và trong nước hiện nay.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch COVID-19 đang bùng phát, dự báo còn kéo dài, ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đến hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, để phát huy tối đa hiệu quả của vốn đầu tư công trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị:

Dự kiến vốn đầu tư công tăng gấp rưỡi trong 5 năm tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; đại dịch COVID-19 đang bùng phát, dự báo còn kéo dài, ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đến hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước.

{keywords}
Ảnh minh họa Huy Linh

Các khu vực kinh tế đều gặp khó khăn trong sản xuất và lưu thông hàng hoá, nhiều loại hình dịch vụ bị ngưng trệ và giảm sút thì vai trò dẫn dắt tăng trưởng của đầu tư công rất quan trọng.

Đất nước ta trải dài 1.650km theo hướng Bắc Nam với địa hình đa dạng đồi núi, đồng bằng, bờ biển nên trong 10 năm tới đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc kết nối vùng như các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam; đường ven biển kết nối nhiều tỉnh, thành phố; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ; hệ thống đường vành đai của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... có ý nghĩa rất lớn.

Đây là những tuyến huyết mạch để lưu chuyển hàng hóa, nếu được đầu tư hiện đại sẽ giảm đáng kể chi phí, thời gian vận chuyển và đi lại.

Để hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư công phát huy tối đa hiệu quả các bộ, ngành, địa phương cần kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí; xoá bỏ cơ chế chạy dự án.

Cùng với đó, từng bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số dự án chưa thực sự cấp bách, cần thiết; đồng thời, tập trung vốn đầu tư, làm dự án nào dứt điểm dự án đó, sớm đưa dự án vào sử dụng.

Tránh tình trạng đầu tư cùng lúc rất nhiều dự án nhưng dự án nào cũng dở dang, làm phân tán nguồn lực, không phát huy được hiệu quả của vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần thực hiện phân cấp hợp lý, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết và quy mô đầu tư của từng dự án. Thủ tướng Chính phủ giao và gắn trách nhiệm của các Bộ trưởng, Bí thư và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án cả trong khâu xây dựng, đề xuất và triển khai thực hiện cho đến khi dự án hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng.

Để dự án sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt lưu ý tới năng lực thi công và khả năng tài chính của các nhà thầu thực hiện dự án đầu tư công.

Nhà thầu phải chứng minh được năng lực kỹ thuật, có kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực dự án được giao thi công, có uy tín và nghiêm túc trong thực hiện dự án để không xảy ra trường hợp như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, đầu tư cả chục nghìn tỷ đồng nhưng đến nay, sau nhiều năm vẫn chưa thể đưa vào khai thác.

Kim Chi